Thị trường carbon tại Việt Nam: Cơ hội cùng nhiều thách thức cho doanh nghiệp
Thị trường carbon hướng tới giảm phát thải CO2 trong các ngành sản xuất công nghiệp đòi hỏi lớn về đầu tư công nghệ, nên các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng, đón trước những xu thế và bắt kịp để tạo thành cơ hội.
Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2025 – 2028 sẽ được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc và chuẩn bị cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới. Hiện nay đã có nhiều DN triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon và trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM).
Xu thế chuyển đổi xanh trong cộng đồng DN
Thông tin từ ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thực tế đã được khởi động từ năm 2018, khi những dự án tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên của Việt Nam đã được đăng ký ở các tổ chức thẩm định hàng đầu thế giới, như Tiêu chuẩn Verified Carbon Standard (VCS) hay Tiêu chuẩn Gold Standard (GS).
Phát thải khí nhà kính tại DN hiện này chưa được đo đếm chính xác
Tuy nhiên ở thời điểm ban đầu, các dự án này tập trung chủ yếu từ những dự án về năng lượng tái tạo, thủy điện và một số các dự án cộng đồng và với số lượng tín chỉ cũng không quá nhiều so với các nước trên thế giới. Trong 2 năm trở lại đây, tín chỉ carbon, thị trường carbon và những chủ đề có liên quan thì mới bắt đầu nóng lên trong xã hội và cộng đồng các DN mới bắt đầu tìm hiểu.
“Cùng với các cam kết của Chính phủ với thế giới, tín hiệu đáng mừng hiện nay đã có một số DN, tập đoàn lớn và các DN FDI bắt đầu chú trọng vào phát triển các chiến lược xanh, từ đó tạo ra một xu thế chuyển đổi xanh trong cộng đồng. Các DN đã tạo nên mô hình có tính lan tỏa rất tốt để khởi động cho Việt Nam có một tương lai, một thị trường tín chỉ carbon mạnh trong khu vực và trên thế giới”, ông An lạc quan.
Là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng, vì thế thời gian qua ngành xi măng đang đặt mục tiêu tham gia thị trường carbon sớm nhất. Thực tế theo PGS.TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong 5 năm gần đây, mỗi năm ngành xi măng phát thải trung bình khoảng từ 62 – 70 triệu tấn CO2.
“Với hơn 60 nhà máy sản xuất xi măng trên toàn quốc đều nằm trong danh sách các DN phải có hạn mức phát thải carbon do Chính phủ quy định. Đến thời điểm này, tất cả các DN xi măng đã nhận thức được vấn đề và cùng có sự chuẩn bị khác nhau để đón nhận những quy định mới của Chính phủ, cũng như các giải pháp để có thể giảm thiểu được lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất của mình”, ông Long thông tin.
Cần tầm nhìn dài hạn về tiềm năng của thị trường carbon
Bằng việc bán tín chỉ carbon trên thị trường giao dịch, các DN có thể thu được tiền để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Do đó, thị trường carbon là một động lực rất tốt cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050. Theo quan điểm của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam – PGS.TS. Lương Đức Long, khi có thị trường carbon sẽ gắn với việc giao hạn ngạch carbon. Các DN được phép phát thải carbon bao nhiêu là tối đa, nếu cao hơn hạn ngạch nhưng DN tìm cách giảm phát thải sẽ tạo ra một hiệu ứng tốt, hệ quả tốt cho các DN.
“Thị trường carbon hoàn toàn tạo điều kiện để DN kiếm được tiền phục vụ cho sản xuất kinh doanh do đó sẽ tạo ra động lực. Khi DN thừa hạn ngạch sẽ được bán để thu tiền về để tái đầu tư cho công nghệ. Ngành xi măng đang rất mong có thị trường carbon chính thức, hướng tới giảm phát thải CO2 trong các ngành sản xuất công nghiệp nói chung, trong đó có ngành xi măng nói riêng”, ông Long quả quyết.
Trong xu thế định giá phát thải carbon rất cần dùng công cụ tài chính để kiềm chế được lượng phát thải. Chính vì thế, ông Hoàng Văn Tâm – Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, việc hình thành thị trường carbon sẽ là cơ hội để có thể định giá việc phát thải, cũng như tính toán được lợi nhuận từ việc giảm phát thải carbon.
Hướng tới thị trường carbon, các DN cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ mới
Tuy nhiên theo ông Tâm, thách thức của thị trường carbon chính là về năng lực và con người. Khó khăn nữa là về tài chính và công nghệ, khi DN đầu tư giảm phát thải đòi hỏi những công nghệ mang tính đột phá. Hơn nữa, câu chuyện về tín chỉ carbon, giảm phát thải khí nhà kính là những vấn đề còn khá mới đối với các DN Việt Nam.
Do đó, nhận thức về các vấn đề liên quan đến kiểm kê phát thải khí nhà kính từ người đứng đầu DN, cho đến các bộ phận chuyên môn kỹ thuật đều cần phải được nâng cao hơn nữa, hướng đến thị trường carbon mang tính bắt buộc.
“Các DN sẽ phải có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng của thị trường carbon để đón trước những xu thế và bắt kịp tạo thành cơ hội. Việc hình thành thị trường carbon cũng cần những quy định chặt chẽ để đem lại hiệu quả cao cho toàn xã hội trong công cuộc về giảm phát thải khí nhà kính, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là những mục tiêu rất tham vọng trong dài hạn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Tâm nêu rõ.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-carbon-tai-viet-nam-co-hoi-cung-nhieu-thach-thuc-cho-doanh-nghiep-post1124274.vov