Ngành than đóng góp ngân sách trên 280 nghìn tỷ đồng trong 30 năm hoạt động
Nhờ phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong hành trình xây dựng và phát triển 30 năm, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nộp ngân sách với số tiền trên 280 nghìn tỷ đồng.
Trung tâm điều hành sản xuất tại Công ty cổ phần Than Vàng Danh. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
Nhờ phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong hành trình xây dựng và phát triển 30 năm, Tổng công ty Than Việt Nam (TVN) trước đây và nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nộp ngân sách nhà nước với số tiền trên 280 nghìn tỷ đồng. Đây là thông tin được TKV công bố nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (10/10/1994-10/10/2024)
*Doanh thu gấp hơn 91 lần
Với vai là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, từ khi TVN đi vào hoạt động, sản lượng than khai thác ngày càng tăng cao không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn có xuất khẩu. Điều này góp phần cải thiện cán cân thương mại, góp phần thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tạo tích lũy đầu tư phát triển mở rộng sản xuất than và phát triển các ngành khác trên nền sản xuất than.
Theo báo cáo của TKV, nếu như năm 1997 sản lượng than đạt 11,3 triệu tấn, đánh dấu lần đầu tiên ngành than Việt Nam vượt mốc 10 triệu tấn là mức sản lượng Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra cho năm 2000 thì đến nay sản lượng than đều đạt 38 đến 40 triệu tấn/năm; năm 2011 đạt mức cao nhất là 45 triệu tấn. Tổng doanh thu than đã tăng từ gần 1,3 nghìn tỉ đồng năm 1994 lên 175 nghìn tỉ đồng năm 2024 (tăng gần 135 lần).
Theo đại diện lãnh đạo TKV, lĩnh vực khai thác than hầm lò đã có sự phát triển mạnh trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ. Từ chỗ chủ yếu là khai thác thủ công, chống gỗ đã từng bước nâng cao trình độ cơ giới hóa và tiến tới cơ giới hóa đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh đáp ứng nhu cầu sàng tuyển than nguyên khai mỏ Vàng Danh. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Nhờ đó, TKV đã tăng sản lượng than hầm lò từ 1,8 triệu tấn năm 1994 (chiếm 25% tổng sản lượng than) lên 27 triệu tấn năm 2024 (chiếm 73 % tổng sản lượng than) và tăng 15 lần. Công suất lò chợ đã tăng từ 20-50 nghìn tấn/năm lên bình quân 200 nghìn tấn/năm. Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty Than Hà Lầm đạt công suất 1,2 triệu tấn/năm, gấp 60 lần công suất lò chợ giai đoạn 1994. Hệ số tổn thất than giảm từ mức 40-50% xuống còn 19,02 %.
Cùng với tập trung đầu tư công nghệ vào vào khai thác than, TKV cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án điện nên đến năm 2017, tổng công suất của các nhà máy điện TKV đã đi vào hoạt động là 1,73 nghìn MW. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ của TKV đã tăng từ 720 triệu kWh năm 2006 lên trên 10 tỷ kWh năm 2023 (tăng 13,9 lần), doanh thu tăng từ 432 tỷ đồng lên 14 nghìn tỷ đồng (tăng 32 lần).
Sản xuất và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp liên tục tăng và trở thành một trong những ngành có doanh thu tương đối lớn và hiệu quả cao. Từ năm 2006 đến 2023 sản lượng sản xuất tăng từ 46 lên 65,6 nghìn tấn, tăng gần 1,5 lần; sản lượng cung ứng tăng từ gần 76 lên 102 nghìn tấn, tăng 1,3 lần, tương ứng doanh thu tăng từ 1,2 lên hơn 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 6 lần.
Đối với lĩnh vực cơ khí, tập đoàn đã chế tạo giá chống thuỷ lực và các thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất than, khoáng sản, điện lực, sửa chữa và phục hồi các thiết bị phục vụ cho khai thác mỏ và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác với tổng doanh thu tăng từ hơn 1 nghìn tỉ đồng năm 2006 lên 3,3 ngàn tỉ đồng năm 2023 (tăng hơn 3 lần)…
Chỉ tính riêng từ 1995 đến 2005 tổng doanh thu của TKV đã tăng từ 2,45 nghìn tỷ đồng lên 22,8 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 9 lần). Từ 2006 đến 2013 tổng doanh thu toàn Tập đoàn TKV tăng từ 29,1 nghìn tỉ đồng lên 102,8 nghìn tỉ đồng (tăng gần 3,5 lần). Từ 2014-2023 doanh thu toàn Tập đoàn TKV là 1,3 triệu tỷ đồng tăng 677 nghìn tỷ và tăng 109 % so với giai đoạn 2004-2013.
Công nhân Công ty than Thống Nhất vào ca. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
Với sự tăng trưởng vượt bậc, tổng tài sản toàn Tập đoàn tăng trưởng đều qua các năm. Đến nay, giá trị tổng tài sản của toàn Tập đoàn tại thời điểm năm 2023 đã tăng hơn 112 nghìn tỷ đồng lên mức 114 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 67 lần so với năm 1994. Điều này thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc quy mô của TKV về cả chiều rộng và chiều sâu trong sản xuất kinh doanh.
Nếu như năm 1994 – năm đầu thành lập, doanh thu toàn Tập đoàn (với tên gọi là Tổng công ty Than Việt Nam) chỉ là con số khiêm tốn 1,845 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2023 đã đạt mức 168,10 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 91 lần và tăng 166,25 nghìn tỷ đồng so với năm 1994. Tổng doanh thu của TKV trong giai đoạn từ năm 1994 – 2023 đạt 1,9 triệu tỷ đồng, bình quân đạt 65,7 nghìn tỷ đồng/năm.
*Đóng góp ngân sách nhà nước trên 280 nghìn tỷ đồng
Nhờ phát huy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, TKV đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Trong đó, riêng số nộp ngân sách nhà nước cho tỉnh Quảng Ninh chiếm đến 60%, đóng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh. Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước với số tiền trên 280 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt năm 2023, Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước cao kỷ lục kể từ khi thành lập với giá trị 29.216 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD). Trong đó, số nộp ngân sách nhà nước của TKV tại Quảng Ninh chiếm 41% thu ngân sách của tỉnh.
Cùng với đó, vốn nhà nước tại TKV cũng tăng từ 778 tỷ đồng vào năm đầu thành lập lên 48,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn luôn được bảo toàn và phát triển qua các năm với mức tăng trưởng rất cao. Hiện nay, vốn điều lệ của Công ty mẹ đạt 35 nghìn tỷ đồng. TKV đang tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt tăng bổ sung vốn điều lệ của Công ty mẹ từ 35 nghìn tỷ đồng lên mức 42 nghìn tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Sản phẩm alumin tại Nhà máy alumin Nhân Cơ. Ảnh: TKV
Về quản trị tài chính, Tập đoàn từng bước chuyển đổi và hoàn thiện công tác quản trị tài chính thông qua việc thanh toán trực tiếp cho các công ty khai thác và tập trung thu xếp vốn tại Công ty mẹ; áp dụng công nghệ số trong kế toán tài chính (bao gồm hóa đơn điện tử và chuyển tiền điện tử). Từ năm 2017, TKV đã thực hiện hoán đổi tiền tệ SWAP, giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá hối đoái và sinh lời khoảng 355 tỷ đồng từ 735 triệu USD.
Bên cạnh đó, TKV chú trọng quản lý công nợ và đã thực hiện tốt nghĩa vụ thanh toán với nhà nước và đối tác. Tập đoàn không có nợ quá hạn và sử dụng các phương pháp bù trừ công nợ nội bộ để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thanh toán. Việc quản trị công nợ tối ưu đã góp phần tăng khả năng tự chủ tài chính, làm lành mạnh hóa tình hình tài chính toàn Tập đoàn, được chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Hệ số tài chính của TKV được duy trì trong giới hạn an toàn. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 14,6%/năm, với mức cao nhất là gần 19% vào năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt bình quân 4,5%/năm.
Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thường xuyên duy trì trên 1 lần, cho thấy khả năng thanh toán tốt được các nhà tài trợ tín dụng đánh giá cao, đối tác bạn hàng tín nhiệm, người lao động yên tâm, tin tưởng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đều thấp hơn mức trần là 3 theo quy định (tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP, năm 2023) – hệ số này chỉ còn ở mức 1,24 lần, chứng tỏ khả năng tự chủ tài chính của TKV ngày càng cao.
Việc thoái vốn theo đề án tái cơ cấu của Tập đoàn được thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Hiện TKV đang tiếp tục triển khai công tác thoái vốn tại 19 công ty con và công ty liên kết theo Đề án cơ cấu lại đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định 1263/QĐ-TTg ngày 27/10/2023). Theo đó, TKV sẽ tập trung các nguồn lực vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả sử dụng tài sản tiếp tục tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng mới.
*Thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn cho biết: Với mục tiêu xây dựng TKV trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu kinh doanh hợp lý; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; mở rộng hợp tác và phát triển kinh doanh quốc tế…, định hướng chung về phát triển kinh doanh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới của Tập đoàn được xác định là: “Thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở đi đôi với phát triển theo chiều rộng tăng cường phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh chế biến sâu tạo ra các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị trên nền sản xuất than – khoáng sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả”.
Ca làm việc tại Công ty luyện đồng Lào Cai. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN
Theo đó, Tập đoàn tập trung phát triển từ chiều rộng sang phát triển chiều sâu, trong đó đi đôi với tận dụng tối đa khả năng khai thác than lộ thiên ở những mỏ có điều kiện cho phép, tập trung phát triển các mỏ hầm lò công suất lớn đưa,cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại. Cùng đó, hoàn thiện mô hình “Sản xuất và Thương mại than”; nâng cao giá trị kinh doanh than theo hướng sản xuất tối đa các loại than chất lượng cao; khai thác tối đa lợi thế của Tập đoàn, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên trong việc pha trộn than nhập khẩu và than sản xuất trong nước.
TKV sẽ phát triển các dự án điện theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Đồng thời, khai thác và chế biến sâu một số khoáng sản có trữ lượng lớn, tiến tới hình thành ngành công nghiệp luyện kim đen – luyện kim màu quan trọng như: sản xuất đồng kim loại, phôi thép, alumin – nhôm, titan, đất hiếm…
Về mục tiêu đến năm 2030, TKV sẽ sản xuất từ 35-40 triệu tấn; nhập khẩu từ 15 -20 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt 8 tỷ USD. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2025-2030 là 173.000 tỷ đồng; trong đó, khối công nghiệp than 60.000 tỷ đồng; công nghiệp khoáng sản 98.000 tỷ đồng, công nghiệp điện 5.000 tỷ đồng. TKV cũng sẽ sản xuất 4 triệu tấn alumin, 900 nghìn tấn nhôm thỏi và 11 tỷ kWh điện
Để đạt được mục tiêu trên, TKV tập trung cao độ cho công tác quản trị tài nguyên theo đúng vai trò “Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực nền tảng cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn” và là một trong 2 nguồn lực để Tập đoàn đi lên giàu mạnh. Trong đó, trọng tâm là cập nhật kịp thời thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản, đẩy nhanh công tác xin cấp phép hoạt động khoáng sản, tăng cường đầu tư thăm dò nâng cấp trữ lượng, đảm bảo kịp thời và chính xác.
Cùng đó, tăng cường công tác quản trị đầu tư trên cơ sở nâng cao chất lượng lập và quản lý dự án, đồng thời đi đôi với phát triển nguồn vốn chủ sở hữu phải thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ trương huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư .
Bên cạnh đó, tăng cường quản trị chi phí, quản trị rủi ro và quản trị kết quả kinh doanh nhằm thực hiện triệt để tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trên cơ sở quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm vật tư, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nguồn than và giao nhận, vận chuyển, tiêu thụ than.
Ngoài ra, cải thiện điều kiện làm việc an toàn lao động theo hướng đảm bảo thực sự khắc phục được một cách triệt để các rủi ro, nguy cơ, nguyên nhân nhằm giảm thiểu tai nạn lao động một cách vững chắc. Phương châm lâu dài là kiên trì thực hiện mục tiêu “Tai nạn bằng không”. Cùng với đó, tăng cường đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ cơ giới hóa, nhất là cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than hầm lò một cách hiệu quả hơn…/.