Thị trường vật liệu xây dựng phục hồi chậm

Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đang vào những tháng cuối năm, thường được coi là “mùa xây dựng”. Thế nhưng nhu cầu xây dựng chậm đã tác động không nhỏ tới DN trong ngành.

Nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở tăng chậm

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các đại lý sắt thép trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá sắt thép điều chỉnh tăng liên tiếp từ đầu tháng 10 và đang được bán dao động quanh mức 14 triệu đồng/tấn. Từ ngày 2/10, giá thép đã có 4 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp với thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300.

Trong đó, thép Hòa Phát tại thị trường miền Bắc, với thép cuộn CB240 đã tăng 310.000 đồng/tấn, hiện dao động ở mức 13,8 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 410.000 đồng/tấn có giá gần 14 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Đức, thép cuộn CB240 ở mức 13,6 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá hơn 14 triệu đồng/tấn. Thương hiệu thép VAS, thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 lần lượt ở các mức 13,85 triệu đồng/tấn và 14 triệu đồng/tấn.

Sản xuất vật liệu xây dựng tại Công ty CP Thép Việt Đức, Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trần Việt

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép Việt Nam vẫn có sự hồi phục tích cực về nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng thép xây dựng được tiêu thụ trong 9 tháng của năm cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt trên 7,1 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Thị trường tôn mạ trong 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ đạt gần 2,4 triệu tấn, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này đã tạo điều kiện cho các DN cán nguội đẩy mạnh tiêu thụ thép chính phẩm và gia công theo.

Trong khi đó, các loại VLXD khác như xi măng vẫn duy trì giá bán từ 220.000 – 270.000 đồng/tấn. Đến nay, giá xi măng vẫn đang giữ nguyên giá bán so với lần tăng giá gần nhất là tháng 6/2022.

Các chủ đại lý cho biết, nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở đã tăng hơn so với thời điểm trước khi bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc tuy nhiên vì một số loại VLXD tăng giá nên nhu cầu chưa lớn so với dự kiến.

Ông Nguyễn Văn Dũng – chủ một cửa hàng VLXD trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, thời điểm này dù đang là mùa xây dựng nhưng các công trình khởi công ít nên các mặt hàng đang tiêu thụ chậm, giảm 10 – 20% so với các năm trước.

“Các loại VLXD trong đó có thép tăng giá đã tác động không nhỏ đến việc xây dựng các công trình nhà riêng lẻ khu vực dân sinh. Nhiều gia đình phải tính toán lại việc xây dựng nhà cửa, vì chi phí có thể đội lên từ vài triệu cho với cả chục triệu đồng” – ông Nguyễn Văn Dũng nói.

Có thể tiếp tục tăng giá

Dưới tác động của giá điện tăng, nhiều chuyên gia nhận định việc này có thể làm ảnh hưởng tới các DN trong ngành VLXD, bởi chi phí điện chiếm tỷ trọng khá lớn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh (thép 10%, xi măng 14 – 15%).

Trong khi nhu cầu chưa lớn, sức mua còn thấp cùng với hàng tồn kho vẫn cao đặt ra bài toán cho DN trong việc điều chỉnh các chi phí hoạt động. Đồng thời, giá VLXD nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục tăng với điều kiện nền kinh tế đã ổn trở lại và ngành xây dựng được “hồi sức”.

Theo đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), việc tăng giá điện nằm trong dự tính của DN. Mặc dù phải chịu tác động của nhiều chi phí đầu vào khác, nhưng tăng giá điện được xem là không tránh khỏi trong bối cảnh ngành điện chịu khó khăn do các chi phí sản xuất đầu vào như than, dầu tăng cao. Trong dự tính cũng đã tính đến việc tăng giá điện và thực hiện đẩy mạnh hơn tiết giảm chi phí, sử dụng hiệu quả hơn nguồn điện.

Trong khi đó, với ngành thép, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung – chuyên gia về lĩnh vực VLXD đánh giá, điện được xem là một trong những chỉ tiêu tiêu hao năng lượng chính trong quá trình sản xuất thép, đặc biệt ở công đoạn luyện thép bằng lò điện (chi phí điện chiếm 7 – 8% trong sản xuất thép).

Vì vậy, mỗi khi giá điện tăng, DN trong ngành thép đều phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, khi giá điện tăng thường kéo theo các chi phí đầu vào khác tăng theo, điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất.

“DN cần tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để giảm thiểu tác động; áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả (sản xuất trong giờ thấp điểm, tăng cường phun than và thổi oxy trong quá trình luyện thép…). Hành động này không chỉ giúp giảm tối đa tác động của việc tăng giá điện mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho các DN thép. Chất lượng sản phẩm tăng lên, giá cả hợp lý hơn” – ông Phạm Ngọc Trung cho biết.

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, sản lượng thép nội địa có sự cải thiện nhờ nhu cầu hồi phục của thị trường trong nước. Sản xuất thép trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế cùng với sự trở lại của thị trường bất động sản. Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai có hiệu lực sớm, cùng với sự đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu thép tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2025 – 2026.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Shinhan cũng nhìn nhận, giá thép tăng trong thời gian gần đây cùng với đà tăng của giá thép Trung Quốc, khi Chính phủ nước này đưa ra các chính sách quyết liệt hơn để vực dậy thị trường bất động sản. Tình hình xuất nhập khẩu hoạt động mạnh mẽ tăng trưởng tích cực trong 8 tháng đầu năm 2024, đạt 8,88 triệu tấn, tăng 20,7%, trong đó thép xây dựng và tôn mạ tăng trưởng lần lượt 34% và 47%. Nhập khẩu sản phẩm thép của Việt Nam đạt khoảng 10,75 triệu tấn, tăng 35,5% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%. Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, chi phí tăng thêm bình quân mỗi tháng của nhóm khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ là 247.000 đồng; sản xuất 499.000 đồng và hành chính sự nghiệp 91.000 đồng.

Link gốc