Ngành thép trước thách thức từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Cơ chế này tạo ra những cơ hội khả quan, nhưng cũng có nhiều rào cản nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và môi trường.
Nhiều sức ép
Trong những năm qua, thị trường thép Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, năm 2024 và 2025 chứng kiến sự thay đổi và thách thức đáng kể trong ngành thép, phụ thuộc vào nhiều yếu tố nội tại và quốc tế.
Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam, Hải Dương. Ảnh: Hải Linh
Là một trong những quốc gia sản xuất thép lớn tại Đông Nam Á. Các công ty thép lớn như Hoa Sen, Hòa Phát, Thép Việt Ý, Tôn Đông Á, Formosa đang chiếm ưu thế trong việc cung cấp thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất và dẫn đầu về thị phần thép trong nước, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng thép của cả nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, các nhà máy thép trong nước có công suất lớn, nhưng cũng đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất sản xuất, đặc biệt là trong các năm gần đây. Điều này có thể tạo ra sự cạnh tranh giá cả và gây sức ép lên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước.
Ngay từ giữa tháng 9 tới nay, các thương hiệu trong nước đã nhiều lần điều chỉnh giá thép. Đến nay, các mặt hàng như thép cuộn CB240, thép thanh vằn D10 CB300 duy trì ở mức 13,4 – 14 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân của tình trạng này do thị trường sắt thép toàn cầu có xu hướng giảm giá rõ nét. Bên cạnh đó, giá thép trong nước giảm còn do các DN thép phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Những vụ kiện phòng vệ thương mại, với các “hàng rào” kỹ thuật chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ mà các thị trường nhập khẩu dựng lên, tình hình kinh doanh của các DN thép của Việt Nam trong quý III/2024 đã ảm đạm hơn. Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất 9 tháng năm 2024 của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III/2024 đạt hơn 8.800 tỷ đồng – tăng hơn 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng lên 26.538 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế trong quý III năm nay lỗ gần 124 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ gần 172 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2023. Với mức lỗ này, VNSteel đứng thứ 2 toàn ngành, chỉ sau Hoa Sen (lỗ 186 tỷ đồng). Tính chung 9 tháng đầu năm, VNSteel ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 115 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 453 tỷ đồng.
Còn với Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.109 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn khiến biên lợi nhuận gộp sụt giảm xuống mức 8,4%, so với cùng kỳ đạt 13,2%. Doanh thu tài chính mang lại cho công ty gần 130 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Các chi phí đều tăng mạnh. Chi phí tài chính tăng 59% lên mức 98 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng tăng 65% lên mức 909 tỷ đồng, còn chi phí quản lý tăng 98% lên mức 149 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp suy giảm cộng với chi phí tăng mạnh khiến Hoa Sen lỗ sau thuế 186 tỷ đồng, so với cùng kỳ niên độ trước có lãi 438 tỷ đồng.
Tìm giải pháp
Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Đinh Quốc Thái cho biết, ngành thép Việt Nam với định vị là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai trong ASEAN, năm 2023 đã xuất sang châu Âu khoảng 3,1 triệu tấn với trị giá 2,4 tỷ USD. Cơ chế CBAM đang và sẽ tác động mạnh đến ngành thép Việt Nam, đặc biệt với DN xuất khẩu sang EU, bởi chịu áp lực từ tăng chi phí và thêm gánh nặng tài chính liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kiểm kê phát thải khí nhà kính.
Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng DN, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các DN. Số liệu khảo sát cho thấy, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể nhưng không vì thế mà các DN ngành này có thể chủ quan bởi sự mở rộng các yêu cầu trong cơ chế thực hiện CBAM là một xu hướng tất yếu.
Cùng với đó, theo đánh giá của VSA về thị trường nội địa, ngành thép có khả năng phục hồi yếu trong năm nay do các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn hiện hữu (lĩnh vực sử dụng thép lớn nhất tại Việt Nam), lượng tiêu thụ thép được dự báo tăng 7% lên 21,7 triệu tấn, sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.
Nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà phân tích cũng cho rằng, CBAM tạo ra những thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội mới cho Việt Nam. Việt Nam cần một chiến lược toàn diện, từ việc chuyển đổi năng lượng, hỗ trợ DN cho đến tham gia đàm phán quốc tế. Bằng cách làm chủ công nghệ và cải thiện quy trình sản xuất, Việt Nam có thể biến CBAM từ thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững hơn.
Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước cần có những trao đổi, thỏa thuận với đối tác Liên minh châu Âu (EU) về lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước của Việt Nam; thiết lập và vận hành thị trường carbon trong nước để bù trừ lượng phát thải carbon; sớm ban hành hướng dẫn, DN chuẩn bị ứng phó, tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế để thích ứng với CBAM; tham gia vào các đối thoại mang tính xây dựng với EU và đàm phán với EU để đưa ra các điều kiện có lợi cho Việt Nam; cải thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng…
Hiện, DN Việt mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào sản xuất. Như vậy, việc nhận diện những yêu cầu của CBAM cũng là một trong những vấn đề quan trọng cần các DN thực hiện nhằm triển khai các biện pháp thích ứng kịp thời với các yêu cầu được đặt ra khi muốn thực thi CBAM với các sản phẩm xuất khẩu của mình.
Bà Phạm Phương Linh – chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, Công ty CP Tư vấn năng lượng và môi trường