Indonesia loại bỏ than vào năm 2040 – “Giấc mơ kỳ lân thời hiện đại”
Theo Jakarta Post ngày 10/12, Indonesia đặt mục tiêu loại bỏ than vào năm 2040 và mục tiêu này được ví như “giấc mơ kỳ lân thời hiện đại”.
Indonesia có kế hoạch loại bỏ than vào năm 2040. Ảnh minh họa: TTXVN
Tuy nhiên, hơn 30 triệu người tại quốc gia này vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với điện và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng cắt điện không báo trước do mạng lưới năng lượng lỗi thời và không ổn định.
Trong bối cảnh đó, bài viết cho rằng Chính phủ Indonesia cần có những biện pháp toàn diện nhằm mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng với giá cả phù hợp, đồng thời tăng cường năng suất sản xuất và công suất truyền tải.
Trong khi ý tưởng loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than trong vòng 15 năm để chuyển sang năng lượng tái tạo được ví như “giấc mơ kỳ lân thời hiện đại”, việc xây dựng thủ đô mới Nusantara ở Đông Kalimantan được giới chức Indonesia cho là đã tìm thấy “kỳ lân”, để đạt mục tiêu về khí hậu theo đúng kế hoạch.
Với hơn 10% dân số của Indonesia không được tiếp cận đủ điện, câu hỏi đặt ra là Indonesia nên ưu tiên mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng giá rẻ hay tập trung vào tính bền vững, khi ngân sách dành cho các chính sách hỗ trợ chuyển đổi năng lượng vẫn còn hạn chế. Mặc dù tính bền vững rất quan trọng, việc đảm bảo năng lượng giá cả phải chăng lại mang ý nghĩa thực tiễn hơn đối với giáo dục, y tế, tăng trưởng kinh tế và phát triển. Ngoài ra, thách thức về khả năng chi trả năng lượng ở Indonesia phải được giải quyết.
Nhiều cộng đồng ở Indonesia dựa vào than vì đây vẫn là lựa chọn khả thi nhất về mặt kinh tế để sản xuất điện. Việc chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo thường đi kèm với chi phí trả trước cao hơn mà người dân địa phương không thể chi trả được. Nếu không giải quyết được rào cản tài chính này, cam kết về năng lượng tái tạo sẽ nằm ngoài tầm tay.
Chi phí khai thác gia tăng và những hệ lụy môi trường nghiêm trọng đòi hỏi Indonesia tìm ra giải pháp cân bằng giữa năng lượng tái tạo và không tái tạo, với các bước trung gian như sử dụng khí tự nhiên – nguồn năng lượng có sẵn tại Indonesia và phát thải carbon thấp hơn 60% so với than đá.
Chiến lược này sẽ giải quyết nhu cầu năng lượng trước mắt của Indonesia và tạo điều kiện chuyển đổi dần sang các hoạt động bền vững, vốn là điều cần thiết đối với các nước đang phát triển như Indonesia. Ngược lại, các quy định về tiếp cận nguồn tài chính cũng sẽ ngăn cản quá trình sản xuất năng lượng mới với chi phí tăng cao.
Một ví dụ minh chứng về rào cản trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Indonesia đó là bất chấp ngân sách 20 tỷ USD từ Hiệp hội Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) để thúc đẩy các sáng kiến năng lượng tái tạo của Indonesia, nhưng trong hai năm qua, những nỗ lực đó chưa mang lại kết quả như mong đợi.