Đứng trước nhiều bất lợi, khó khăn bủa vây, doanh nghiệp điện khí cùng các dự án vẫn đang trông chờ tháo gỡ, rà soát những vướng mắc pháp lý. Còn với ngành điện trong nước nói chung, các “khoảng trống” bất cập chính sách rất cần được lấp đầy để thực sự hấp dẫn giới đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có xét đến tính khả thi của việc cấp vốn đầu tư dự án điện.
Báo cáo phân tích mới nhất trong tháng 9/2024 của Công ty chứng khoán DSC về CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) có cho rằng công ty này sẽ tập trung để thoát lỗ trong các tháng cuối năm nay. Trước đó, trong nửa đầu của năm 2024, NT2 có dấu hiệu “thoát đáy” nhưng hiệu quả vẫn kém khả quan khi doanh thu đi ngang nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Từ khó khăn của điện khí
Theo DSC, do tỷ lệ chiếm dụng vốn cao cũng như hoạt động kinh doanh kém hiệu quả nên chu kỳ tiền của NT2 cũng cho thấy sự bất ổn so với các DN nhiệt điện khác.
Đứng trước nhiều bất lợi, khó khăn bủa vây, doanh nghiệp điện khí cùng các dự án vẫn đang trông chờ tháo gỡ, rà soát những vướng mắc pháp lý.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn hiện nay cho NT2 là rủi ro thiếu nguồn cung khí nội địa, NT2 sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn nhập khẩu, đặc biệt là LNG nhập khẩu, trong khi thị trường này vẫn còn non trẻ tại Việt Nam, đồng nghĩa sẽ chưa có nhiều chính sách hỗ trợ giá. Điều này sẽ dẫn tới những bất lợi về mặt giá vốn đối với các doanh nghiệp (DN) nhiệt điện khí nói chung và NT2 nói riêng.
Thực tế, các DN trong lĩnh vực kinh doanh khí và nhiệt điện khí đang đứng trước rủi ro thiếu nguồn cung khí trong giai đoạn 2024 – 2025. Có hai nguyên do chính cho chuyện này. Thứ nhất là vì các bể khí trong nước đang dần cạn kiệt trữ lượng, đặc biệt là mỏ Nam Côn Sơn có khả năng dừng khai thác. Thứ hai là các mỏ khí mới vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chỉ có thể ghi nhận dòng khí đầu tiên kể từ 2026.
Xét về mảng điện khí, theo nhận định gần đây của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS, trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ còn gặp khó khăn đặc biệt cho các nhà máy sử dụng khí Đông Nam Bộ và giá khí neo cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nguồn. Còn nếu nhìn sang 2025, xu hướng cấp khí nội địa sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh các mỏ khí mới như Sư Tử Trắng và Nam Du – U Minh dự kiến đi vào hoạt động từ sớm nhất cuối 2026-2027, đồng thời có mức giá cao hơn so với các mỏ khí cũ.
Trong khi đó, với các dự án điện khí LNG ở trong nước cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn bủa vây. Nhất là vướng mắc về mặt cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm LNG, trực tiếp làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư, kinh doanh LNG nhập khẩu. Cụ thể hơn, sự thiếu vắng của cơ chế bao tiêu về khối lượng, cơ chế chuyển ngang giá LNG sang giá điện và các quy định liên quan đến chi phí liên quan như cước phí.
Điều này gây khó khăn trong việc xác định tổng mức đầu tư, giá phát điện đầu ra cũng như làm tắc nghẽn quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại trong các khâu của chuỗi giá trị LNG.
Trước những trở ngại lớn với các DN điện khí, trong tuần vừa rồi, Thường trực Chính phủ đã có kết luận về tháo gỡ khó khăn của các dự án điện khí. Nhất là cần rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, cũng như hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với chất lượng cao nhất nhằm hoàn thành trước ngày 20/9/2024 để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 8 theo quy trình một kỳ họp.
Bên cạnh mảng điện khí, với các dự án điện khác cũng rất cần được khơi thông trong lúc chờ thông qua khâu chính sách. Và giai đoạn 2024-2025 được xem là bản lề để hoàn thiện các chính sách phát triển thị trường điện ở Việt Nam. Nhất là cần đẩy nhanh nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ triển vọng cho hai nhóm điện mũi nhọn là điện khí và điện gió, bao gồm khung giá cho LNG và cơ chế mua bán điện trực tiếp cho năng lượng tái tạo (DPPA).
Đến cân nhắc tính khả thi cấp vốn đầu tư
Bên cạnh đó, như lưu ý của ông Cao Trần Nghĩa, Luật sư cố vấn Công Ty Luật TNHH Nishimura & Asahi Việt Nam, nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện lực, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế, chính sách đảm bảo năng lực tài chính của bên mua điện và khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư, và thúc đẩy các giao dịch tài trợ vốn cho các dự án điện.
Theo ông Nghĩa, một trong những vấn đề mà khách hàng của ông rất quan tâm và thường hay yêu cầu tư vấn là về tính khả thi cấp vốn (bankability) của các dự án năng lượng tại Việt Nam. Và khâu chính sách, đặc biệt là Luật Điện lực, văn bản pháp lý cao nhất trong ngành năng lượng, đóng vai trò quan trọng làm cơ sở để các nhà đầu tư và các tổ chức tài trợ dự án nghiên cứu, cân nhắc tính khả thi cấp vốn.
Chính vì vậy, góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại một hội thảo trong tháng 9/2024 ở Tp.HCM, ông Nghĩa chỉ rõ một trong những vấn đề là luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán điện. Hiện tại, Dự thảo quy định áp dụng pháp luật Việt Nam đối với mọi hợp đồng mua bán điện giữa bên bán và bên mua điện, bao gồm cả hợp đồng có yếu tố nước ngoài (Điều 63). Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Bởi lẽ, theo vị luật sư này, đa phần các hợp đồng tài trợ vốn quốc tế đều áp dụng luật nước ngoài. Do đó, việc chọn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán điện phù hợp với hợp đồng tài trợ vốn là rất quan trọng với các nhà đầu tư. Cho nên, có thể điều chỉnh Điều 63 theo hướng cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài nếu dự án có yếu tố nước ngoài (bao gồm dự án mà nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát, chi phối hay dự án mà có bên tài trợ vốn là bên nước ngoài và phần vốn tài trợ chiếm trên 50% tổng mức đầu tư của dự án).
Ngoài ra, về cơ chế bảo đảm của chính phủ đối với bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo luật sư Cao Trần Nghĩa, khi tài trợ dự án, các tổ chức tài trợ vốn đặc biệt quan tâm đến uy tín tín dụng (creditworthiness) của bên mua điện, vì đó là yếu tố quyết định khả năng thu hồi vốn. Với trường hợp bên mua không có sự bảo đảm tín dụng mạnh mẽ, các nhà tài trợ sẽ do dự trong việc đầu tư vào các dự án năng lượng tại Việt Nam.
“Do đó, nếu bên mua điện như EVN không được Chính phủ bảo đảm, các nhà tài trợ sẽ e dè khi rót vốn vào các dự án năng lượng tại Việt Nam. Cần lưu ý rằng, sự bảo đảm của Chính phủ không nhất thiết phải đến từ hình thức bảo lãnh chính phủ. Trong bối cảnh của Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng sẽ không thể áp dụng bảo lãnh chính phủ. Tuy nhiên, có những cách thức khác được chấp nhận ở phương diện quốc tế để ghi nhận sự bảo đảm của Chính phủ đối với các bên mua điện”, ông Nghĩa chia sẻ.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/bao-gio-lap-khoang-trong-bat-cap-chinh-sach-cho-gioi-dau-tu-nganh-dien-1102360.html