Bước tiến nâng cao chất lượng ngành vật liệu xây dựng

Thông tư 10/2024 của Bộ Xây dựng có hiệu lực được cho sẽ siết chặt quản lý chất lượng xây dựng, tạo “sân chơi” công bằng cho ngành vật liệu xây dựng Việt Nam.

Ngày 1/11/2024, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 10/2024/TT-BXD, với hiệu lực từ ngày 16/12/2024, nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD). Thông tư này áp dụng cho toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu đến sử dụng VLXD.

Thông tư 10 của Bộ Xây dựng có hiệu lực được cho sẽ siết chặt quản lý chất lượng xây dựng.

Tăng cường kiểm soát chất lượng

Với thông tư này, tác động đầu tiên là tăng cường kiểm soát chất lượng. Theo đó, thông tư yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất VLXD phải tuân thủ quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt. Việc kiểm tra trước hoặc sau thông quan, cùng với các tiêu chí về hợp chuẩn, hợp quy, sẽ giảm thiểu việc đưa VLXD kém chất lượng ra thị trường.

Ông Vũ Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho rằng, Thông tư này giải quyết bất cập trong việc kiểm tra chất lượng gạch ốp lát và sứ vệ sinh nhập khẩu. Trước đây, nhiều sản phẩm nước ngoài dễ dàng vào Việt Nam mà không qua kiểm tra nghiêm ngặt như tại nước sở tại, gây bất công cho doanh nghiệp trong nước.

Với Thông tư mới, các doanh nghiệp tin tưởng sẽ chứng kiến một “sân chơi” công bằng giữa các doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng tốt và các doanh nghiệp yếu kém. Như chia sẻ của ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, trong khi các doanh nghiệp tuân thủ sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Ông Phùng Văn Thắng – Phụ trách Phòng phát triển thị trường, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ sử dụng dây chuyền sản xuất không đạt chuẩn để giảm giá thành, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Với Thông tư 10, những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi thị trường, tạo động lực để doanh nghiệp có chất lượng tiếp tục đầu tư vào công nghệ hiện đại và nâng cao sản phẩm.

Bên cạnh đó, Thông tư 10 được cho cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc đồng bộ hóa quy định quản lý. Cùng quy trình rõ ràng về chứng nhận hợp quy giúp thống nhất hoạt động kiểm soát chất lượng, các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp giảm lỗ hổng pháp lý, hạn chế tình trạng hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng phá giá thị trường nội địa.

Ông Lương Đức Long – Tổng Thư ký Hội Xi măng Việt Nam nhận định rằng, việc thực thi Thông tư 10 sẽ giúp minh bạch hóa thị trường xi măng trong nước. Trong hai năm qua, ngành xi măng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà sản xuất nhỏ không đạt chuẩn. Các quy định mới sẽ giảm bớt tình trạng này và bảo vệ các doanh nghiệp lớn có uy tín.

Ngoài ra, Thông tư còn khuyến khích các sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững mà ngành xây dựng Việt Nam đang hướng tới.

Thông tư 10 không chỉ đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng cần gia hạn thời gian thực thi thêm một năm để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Họ lo ngại rằng yêu cầu kiểm tra trước thông quan (theo khoản 3 Điều 8) sẽ làm chậm chuỗi cung ứng, tăng chi phí và áp lực đối với các doanh nghiệp.

Tạo “sân chơi” công bằng cho doanh nghiệp

Mặc dù vậy, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10 đã mang đến nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD tại Việt Nam. Bởi nó giúp loại bỏ sản phẩm kém chất lượng, củng cố niềm tin của khách hàng và tăng cơ hội cạnh tranh cho các sản phẩm chất lượng cao.

“Thông tư này không chỉ là cơ hội để nâng cao chất lượng ngành xây dựng mà còn giúp khẳng định vị thế của các doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao”, ông Phùng Văn Thắng nói.

Có thể thấy, trong năm 2023 ngành xi măng Việt Nam đã chịu thiệt hại lớn khi lượng tiêu thụ giảm mạnh. Số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ ra, sản xuất và tiêu thụ xi măng trong năm 2023 sụt giảm mạnh với mức khai thác công suất của các nhà máy cũng giảm đáng kể. Cụ thể, cả nước sản xuất và tiêu thụ gần 88,6 triệu tấn xi măng và clinker, đạt gần 79% năng lực sản xuất của 83 dây chuyền, khoảng 70% năng lực thực tế. Có thể nói, năm 2023 là “năm đáy” của ngành Xi măng Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượng tiêu thụ xi măng chỉ đạt 99% so với năm trước. Mặc dù tháng 10 vừa qua đã có phần cải thiện, nhưng tổng thể năm 2023 và 2024 đều là hai năm rất khó khăn trong việc tiêu thụ xi măng tại Việt Nam.

Một phần nguyên nhân đến từ việc các sản phẩm không đạt chuẩn tràn lan, gây nhiễu loạn thị trường. Hay trong ngành gốm sứ, việc không kiểm soát chặt gạch ốp lát nhập khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước chịu áp lực cạnh tranh không công bằng.

Thông tư số 10 có hiệu lực được xem là một bước tiến quan trọng, cần thiết để nâng cao chất lượng ngành VLXD và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dù còn nhiều thách thức, việc thực thi nghiêm túc và đúng thời hạn sẽ giúp thị trường minh bạch, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại và sản phẩm thân thiện với môi trường.

Quan trọng hơn, các cơ quan quản lý cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, như mở rộng danh sách tổ chức chứng nhận được chỉ định, giảm bớt thủ tục hành chính và giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh. Một khung pháp lý rõ ràng, nghiêm ngặt không chỉ đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam.

Vi Anh-Link gốc