Doanh nghiệp khai thác than, đường sắt, đóng tàu giảm lãi vì bão Yagi
Bão Yagi đã gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nhóm doanh nghiệp khai thác than, đường sắt và đóng tàu.
Các công ty khai thác than chịu ảnh hưởng tiêu cực do bão Yagi. Ảnh minh họa.
Cụ thể, có 6 doanh nghiệp niêm yết trên sàn thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã công bố BCTC quý 3/2024, ghi nhận lợi nhuận giảm sâu, thậm chí lỗ kỷ lục do chịu thiệt hại từ cơn bão số 3.
Trong đó, Than Núi Béo chỉ đạt 348 tỷ đồng doanh thu thuần quý 3, lao dốc 61% so với cùng kỳ, cũng là mức thu thấp nhất 3 năm qua. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 117 tỷ đồng. Sau cùng, lỗ ròng ở mức 104 tỷ đồng, mức lỗ đậm nhất lịch sử.
CTCP Than Vàng Danh – Vinacomin có quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay, hơn 57 tỷ đồng trong quý 3, giảm sâu so với mức lãi 10 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh thu ở mức thấp nhất 4 năm tính theo quý, đạt hơn 1,230 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết do nơi tâm bão đi qua (khu vực Uông Bí) kèm theo mưa lớn (lượng mưa đo được gần 450ml) gây ra ảnh hưởng nặng nề đến khu vực sản xuất của Công ty.
Dù có thu nhập khác từ thanh lý tài sản và thẩm định giá trị tài sản nhưng CTCP Than Cao Sơn – TKV cũng không đủ bù đắp khoản lỗ. Kết quả, Than Cao Sơn lỗ ròng gần 43 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn có lãi 31 tỷ đồng, và là mức lỗ nặng nhất từ khi niêm yết của doanh nghiệp. Công ty này đã phát sinh khoản giá vốn hàng bán mưa bão gần 23 tỷ đồng, cùng kỳ không ghi nhận.
Không bị lỗ, nhưng CTCP Than Hà Tu – Vinacomin chỉ có lãi ròng thu 277 triệu đồng, mất 97% so với cùng kỳ và là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất 8 năm qua (sau quý 3/2016 lỗ 2 tỷ đồng).
Công ty cho biết do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, đặc biệt là cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), gây bất lợi cho sản xuất của Công ty, sản lượng tiêu thụ quý 3 gần 260 ngàn tấn, giảm tới 67% so với cùng kỳ, khiến doanh thu giảm tới 60% về 507 tỷ đồng, ảnh hưởng kết quả lợi nhuận.
Khá khẩm hơn, CTCP Than Hà Lầm – Vinacomin lãi ròng hơn 11 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của bão Yagi. Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lãi giảm là CTCP Than Mông Dương – Vinacomin với doanh thu và lãi ròng đều ở mức thấp nhất 2 năm, lần lượt đạt gần 528 tỷ đồng và 9 tỷ đồng, giảm 29% và 41% so với cùng kỳ 2023.
Không chỉ các doanh nghiệp khai thác than, nhóm doanh nghiệp đóng tàu và đường sắt cũng chịu ảnh hưởng lớn từ cơn bão số 3.
Theo đó, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội (HRT) có doanh thu tăng 23% lên hơn 782 tỷ đồng. Nhưng chi phí đội lên đến 28% khiến công ty giảm 35% lãi sau thuế, còn hơn 35 tỷ đồng. Bên cạnh việc chi tiền cho sửa chữa, nâng cấp toa xe hay chi phí nhân viên, doanh nghiệp đường sắt này còn tốn hơn 2,5 tỷ đồng cho sửa chữa, khắc phục các công trình bị thiệt hại sau bão.
Cùng chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (VNA) cũng lỗ gần 3,9 tỷ đồng sau thuế quý III, trong khi cùng kỳ lãi 2,7 tỷ. Đây là mức lỗ nặng nhất từ năm 2020 đến nay. Ngoài biến động thị trường, Vinaship cho biết hoạt động khai thác tàu còn chịu ảnh hưởng bởi thiết tiết xấu, bão Yagi làm tê liệt nhiều hoạt động của cảng và chuỗi logistic hàng hóa. Việc này khiến các tàu xếp hàng xi măng của công ty trong tháng 9 bị thiệt hại hàng chục ngày, do không điều động được hàng từ nhà máy ra cảng xếp dỡ.
Doanh nghiệp bảo hiểm cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cơn bão Yagi. Lợi nhuận quý 3/2024 của 6/12 công ty bảo hiểm toàn bộ là phi nhân thọ giảm mạnh, giảm 69,3% so với cùng kỳ và giảm 70,1% so với quý liền kề trước đó. Với doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ là PVI, lợi nhuận sau thuế giảm 46,1% so với cùng kỳ và giảm 43,2% so với quý liền kề trước đó chủ yếu do chi phí dự phòng bồi thường. Tương tự còn có AIC với khoản lỗ sau thuế hơn 39 tỷ đồng trong quý 3 vì chi phí bồi thường sau bão Yagi tăng mạnh.
Minh Thành