Doanh nghiệp ngành xây dựng mắc kẹt với nợ khó đòi

Nợ đọng vẫn đang là vấn đề trầm kha của ngành xây dựng. Kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chi phí trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Nợ phải thu gia tăng cũng ảnh hưởng đến dòng tiền kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Nợ đọng trong ngành xây dựng ngày càng gia tăng, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Quý III/2024, Công ty CP Gỗ An Cường – doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm gỗ – trích lập dự phòng thêm 24,3 tỷ đồng, nâng tổng số trích lập từ đầu năm lên 30,5 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III/2024, nợ phải thu ngắn hạn khó đòi của Gỗ An Cường ở mức 783,5 tỷ đồng, tăng thêm 59,7 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, Gỗ An Cường ghi nhận hơn 77,9 tỷ đồng phải thu khó đòi với Công ty CP Nội thất Hưng Thịnh và đã trích lập 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những đơn vị phát sinh khoản nợ tiền tỷ có Công ty CP Hưng Thịnh Incons với gần 16 tỷ đồng (trích lập 6,5 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại số 1 – Lào Cai với 17,8 tỷ đồng (trích lập 9,3 tỷ đồng) và nhiều khoản khác. Được biết, Nội thất Hưng Thịnh và Hưng Thịnh Incons đều là doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Bên cạnh đó, Gỗ An Cường cũng phát sinh các khoản khó thu từ đầu tư trái phiếu. Cụ thể, Công ty đã ủy thác cho Công ty CP Quản lý quỹ VinaCapital đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp theo hợp đồng ngày 5/2/2021. Các trái phiếu này đã đáo hạn vào cuối năm 2022 và mới chỉ thu hồi được 7,78 tỷ đồng tiền lãi và 41,3 tỷ đồng tiền gốc vào tháng 6/2023. VinaCapital đang thỏa thuận với tổ chức phát hành để thu hồi phần còn lại khoảng 125 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ban Giám đốc Gỗ An Cường, khoản đầu tư này sẽ được thu hồi đầy đủ và do đó chưa thấy có dấu hiệu tổn thất cần phải lập dự phòng.

Nợ khó đòi lớn cũng đang khiến Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC thua lỗ trong 2 năm nay và phải bán nhiều nhà xưởng tại Đà Nẵng, Bình Dương, TP.HCM cùng nhiều khoản đầu tư khác để có dòng tiền hoạt động. Tại thời điểm ngày 30/9/2024, nợ khó đòi của SMC ở mức 1.309 tỷ đồng và đã trích lập dự phòng 579 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị đang nợ SMC bao gồm: Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận (441 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (132 tỷ đồng), Công ty CP Hưng Thịnh Incons (63 tỷ đồng) và các đối tượng khác (484 tỷ đồng).

Diễn biến nợ khó đòi của một số doanh nghiệp ngành xây dựng. Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp – Đơn vị tính: tỷ đồng

Một doanh nghiệp khác cũng có nợ khó đòi tăng nhanh là Công ty CP Xây dựng Coteccons. Trong 9 tháng đầu năm nay, nợ khó đòi của doanh nghiệp này đã tăng từ 1.660 tỷ đồng lên 2.162 tỷ đồng. Một số khoản nợ lớn đã được Coteccons trích lập dự phòng toàn bộ như khoản nợ 483,6 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, khoản nợ 122 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Minh Việt. Ngoài ra, Coteccons cũng phát sinh các khoản cho vay khó đòi và đã trích lập dự phòng 49 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng khác trích lập dự phòng tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2024 còn có Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Sông Đà 5, Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam, Công ty CP Xây dựng DIC Holdings. Hay như Công ty CP Sông Đà 10 trích lập dự phòng phải thu khó đòi 35 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm khiến lỗ trước thuế 27,8 tỷ đồng. Công ty CP Sông Đà 10 còn nhiều khoản phải thu lớn chưa thể thu hồi và chưa được trích lập dự phòng đối với Ban điều hành Dự án Thủy điện Xekaman 3, Ban điều hành Dự án Thủy điện Xekaman 1…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu NTM – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chống thấm cho biết, trong bối cảnh ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn kéo dài từ Covid-19, nhiều chủ đầu tư, tổng thầu đã cạn kiệt nguồn lực thanh toán. Với các trường hợp này, Công ty xác định là gần như không thể thu hồi các khoản nợ đọng, một số đối tác có thiện chí thì thanh toán bằng tài sản.

Hoàng Việt

Link gốc