Hàng loạt khoản đầu tư có khả năng mất vốn, Vicem phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng

Đầu tư gần 14.000 tỷ đồng vào 31 doanh nghiệp, nhưng hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ triền miên, khiến Vicem phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng cho những khoản đầu tư có khả năng mất vốn.

Thông tin này được nêu trong kết luận thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) của Thanh tra Bộ Tài chính vừa ban hành.

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, tại thời điểm ngày 31/12/2023, đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ – Tổng công ty Xi măng Việt Nam là hơn 13.973 tỷ đồng vào 31 công ty, chiếm 93% vốn góp của chủ sở hữu.

Cổ tức, lợi nhuận được chia của Vicem hạch toán vào doanh thu tài chính năm 2023 là hơn 417 tỷ đồng, bằng 3% tổng vốn đầu tư.

Năm 2023 có 17 công ty có kết quả kinh doanh lãi 186 tỷ đồng, trong khi có 14 công ty lỗ lên tới hơn 1.610 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Xi măng Hạ Long lỗ lớn nhất, lên tới gần 648 tỷ đồng.

Có 15 công ty lỗ lũy kế đến hết năm 2023 là hơn 7.923 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Công ty mẹ – Tổng công ty tại từng công ty là 5.895 tỷ đồng, bằng 85,3% vốn Công ty mẹ – Tổng công ty đã đầu tư tại các công ty này.

Tại ngày ngày 31/12, Tổng công ty trích lập dự phòng tổn thất cho 7 khoản đầu tư với số tiền khoảng 3.018 tỷ đồng.

Nhiều khoản đầu tư của Vicem đứng trước nguy cơ mất vốn

Cụ thể, Vicem đã rót hơn 1.132 tỷ đồng vào Vicem Tam Điệp (chiếm 100% vốn điều lệ). Tuy nhiên, công ty con này đã lỗ lũy kế khoảng 1.126 tỷ, tương đương 99,5% vốn góp của chủ sở hữu. Với khoản đầu tư này, Vicem phải trích lập dự phòng hơn 1.069 tỷ đồng.

“Công ty đang mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp. Tổng công ty đang hỗ trợ cho công ty này vay vốn để thanh toán các khoản nợ dài hạn với tổng số tiền 396 tỷ đồng”, thanh tra Bộ Tài chính cho hay.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, Vicem đầu tư khoảng 1.605 tỷ đồng (chiếm 82,69% vốn điều lệ). Đến hết năm ngoái, Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế hơn 4.900 tỷ, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 2.960 tỷ đồng. Vicem trích lập dự phòng rủi ro tại công ty này 1.606 tỷ.

Trước đó, Xi măng Hạ Long thuộc Tổng công ty Sông Đà, được chuyển giao về Vicem năm 2016. Tại thời điểm chuyển giao, doanh nghiệp này âm vốn 2.658 tỷ và lỗ lũy kế 3.640 tỷ.

Thanh tra Bộ Tài chính cho hay, tình hình sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến Công ty liên tục thua lỗ, tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ đến hạn, đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì không có dòng tiền.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao, Vicem đầu tư 516 tỷ đồng (tỷ lệ 80,79% vốn điều lệ). Đến hết 31/12, công ty lỗ lũy kế trên 312 tỷ, tương ứng hơn 49% vốn góp của Vicem. Tổng công ty này trích lập 252 tỷ cho khoản đầu tư tại đây.

Trước đó, Xi măng Sông Thao thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD). Tại thời điểm chuyển giao về Vicem, doanh nghiệp lỗ lũy kế 430 tỷ.

Tương tự, Vicem Hải Vân, số vốn đầu tư cảu Vicem là 314 tỷ đồng (tương đương 75,75% vốn điều lệ) và năm 2023 ghi nhận lỗ hơn 64 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 60 tỷ, khiến Vicem phải trích lập dự phòng gần 34 tỷ đồng.

Hay tại Công ty cổ phần Sông Đà 12, số vốn đầu tư 12 tỷ đồng (24% vốn điều lệ), lỗ lũy kế gần 233 tỷ đồng, Vicem phải trích lập dự phòng hơn 10,2 tỷ.

Tại Công ty cổ phần Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai, Vicem đầu tư hơn 43 tỷ đồng, nắm 12,5% vốn. Công ty này lỗ lũy kế 787 tỷ đồng nên Vicem trích lập dự phòng 41,3 tỷ.

Hay tại Cao su Đồng Nai – Kraite (Vicem nắm 11,27% vốn) cũng lỗ lũy kế hơn 179 tỷ khiến Vicem phải trích lập dự phòng 4,2 tỷ đồng…

Ngoài ra, 9 công ty con, công ty liên kết khác của Vicem cũng lỗ trong năm 2023. Tuy nhiên, vốn chủ vẫn cao hơn số tiền Vicem đã đầu tư.

Theo giải thích của Vicem, 10 công ty con hiệu quả kinh doanh thấp, nhiều đơn vị lỗ lớn năm ngoái và lũy kế lợi nhuận âm khoảng 6.700 tỷ đồng bởi nhiều lý do.

Trong đó, Vicem Tam Điệp, Vicem Sông Thao, Xi Măng Hạ Long đều là 3 đơn vị Vicem nhận bàn giao phần vốn Nhà nước từ địa phương hoặc doanh nghiệp khác thuộc Bộ Xây dựng. 3 công ty này đến hết năm ngoái lỗ lũy kế 6.341 tỷ, tăng 2.271 tỷ so với thời điểm bàn giao.

Cùng với đó, sản lượng sản xuất thấp hơn nhiều công suất thiết kế tối đa, dẫn tới định phí trên một đơn vị sản phẩm tăng và các chi phí bảo dưỡng cũng tăng theo. Đồng thời, giá bán clinker, xi măng không tăng và một số sản phẩm còn thấp hơn giá thành. Chi phí lãi vay lớn do một số công ty đầu tư chủ yếu bằng vốn vay. Tỷ giá biến động cũng khiến chi phí tài chính phát sinh bởi lỗ chênh lệch tỷ giá lớn. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí khấu hao lớn, một số dự án khai thác mỏ phải dừng khai thác do địa phương thay đổi quy hoạch…

Trước thực trạng này, Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị Vicem rà soát, đánh giá các khoản tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Vicem phải chỉ đạo người đại diện phần vốn góp tại các bên này có ý kiến với HĐTV, HĐQT xây dựng phương án cụ thể để khắc phục khó khăn tài chính, lỗ lũy kế kéo dài.

Thanh tra cũng yêu cầu Vicem khẩn trương xem xét, quyết định thực hiện giám sát tài chính phù hợp với các công ty có dấu hiệu mất an toàn tài chính.

Link gốc