HPG: Thép Hòa Phát gánh nợ vì dự án Dung Quất 2

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất 2 (Dung Quất 2) với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, được dự báo sẽ tạo ra đột biến cho Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG).

Dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thép không còn nhiều dư địa tăng, thì nguồn vốn khủng bỏ vào dự án khiến nhiều cổ đông lo ngại về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Mục tiêu hoành tráng

Theo HPG, dự án Dung Quất 2 có quy mô 280ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Dự án được triển khai từ quý I-2022, đến nay đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% tiến độ phân kỳ 2.

Hiện tại, Dung Quất 2 đang dồn lực triển khai đồng bộ cùng hàng trăm nhà thầu, đối tác trong và ngoài nước, vừa thi công xây dựng, vừa lắp đặt thiết bị. Dự kiến Dung Quất 2 sẽ hoàn thành những hạng mục đầu tiên là dây chuyền cán nóng (HRC) vào cuối 2024.

Theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động vào đầu quý I-2025, phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý IV-2025. Khi hoàn thành vào quý I-2025, năng lực sản xuất thép thô của HPG đạt trên 14,5 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC, góp phần giúp ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam tự chủ được nguồn nguyên liệu ngay tại thị trường trong nước. Bản thân HPG cũng sẽ duy trì ổn định sản lượng thép xây dựng và trở thành nhà sản xuất HRC hàng đầu Việt Nam.

Ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát, cho biết thể tích lò cao của dự án Dung Quất 2 là 2.500m3, gấp đôi thể tích lò của Dung Quất 1, giúp tiêu hao năng lượng thấp hơn. Về mặt môi trường, HPG đã đầu tư cao hơn tiêu chuẩn hiện tại, nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu trong tương lai, nhất là về giảm phát thải CO2 giảm tiêu haonăng lượng.

Với dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng HRC hiện đại của Primetal, Dung Quất 2 sẽ tập trung phát triển các sản phẩm HRC chất lượng cao, phục vụ thép sản xuất ô tô, thép hàm lượng carbon thấp sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép, thép HRC cho sản xuất vỏ container cường độ cao, kháng thời tiết.

Theo giới phân tích, triển vọng chiếm lĩnh thị trường của HPG sau khi Dung Quất 2 gần như không thể bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất với ngành thép là giá liệu có phục hồi như kỳ vọng. Bởi khi nói đến giá thép, giới đầu tư nghĩ đến yếu tố Trung Quốc.

Hiện giá thép xây dựng tại Trung Quốc bật mạnh từ đáy và phục hồi 21% trước thông tin tích cực về việc NHTW (PBoC) công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch Covid như: cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5%; cắt giảm lãi suất thị trường và nới lỏng nhiều chính sách cho vay liên quan tới doanh nghiệp bất động sản (BĐS); giảm tỷ lệ trả trước cho người sở hữu căn nhà thứ 2 xuống 15% từ 25%.

Điều này cho thấy thị trường thép đối mặt với một loạt khó khăn đến từ lượng thép Trung Quốc tràn vào với giá thành rẻ hơn so với giá thép trong nước, đặc biệt đối với HPG khi sản phẩm cạnh tranh trực tiếp là HRC.

Dù nhận được trợ lực từ Chính phủ, nhưng bối cảnh của ngành thép Trung Quốc hiện nay khá giống với giai đoạn năm 2015-2016. Các chính sách quyết liệt được đưa ra liên tiếp quy mô lớn, với mục tiêu giải cứu thị trường BĐS tại quốc gia này. Nhờ vậy, đà phục hồi của ngành thép sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sau khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư công.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong thời gian chờ chính sách “thẩm thấu” vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang giảm tốc và gặp khá nhiều khó khăn, các nhịp tăng ngắn hạn của giá thép có thể kích hoạt các nhà sản xuất thép lớn đẩy mạnh thanh lý hàng tồn kho để duy trì dòng tiền.

Điều này làm cho giá thép khó có thể tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh hàng tồn kho có thể gia tăng trong tương lai, do các quốc gia tăng cường áp dụng chống bán phá giá với thép Trung Quốc như Mỹ, EU.

Nợ vay tăng kỷ lục

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, HPG ghi nhận tổng nợ vay tài chính tại ngày 30-9 lên đến gần 79.000 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với cuối quý II và cao hơn hơn 13.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là mức dư nợ vay tài chính cao kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi hoạt động.

Mức độ gia tăng chủ yếu đến từ nợ dài hạn. Tại thời điểm cuối quý III, HPG vay tài chính dài hạn đến 24.500 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với cuối quý II và cao hơn 14.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo giới đầu tư, đây cũng là mức dư nợ vay dài hạn cao nhất từ trước đến nay của HPG, và nhiều khả năng số vốn vay được rót vào “quả đấm thép” Dung Quất 2.

Tại thời điểm 30-9, HPG ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Dung Quất 2 lên đến gần 52.500 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD), tăng 10.000 tỷ đồng so với cuối quý II trước đó. Lũy kế 9 tháng, HPG đã rót thêm gần 30.000 tỷ đồng vào dự án trọng điểm này.

Việc dồn lực giải ngân vào Dung Quất 2, khiến cho lượng tiền mặt của HPG giảm mạnh. Thời điểm ngày 30-9, số dư tiền mặt của tập đoàn này còn chưa đầy 25.000 tỷ đồng, giảm khoảng 3.500 tỷ đồng so với cuối quý II và thấp hơn 9.500 tỷ đồng so thời điểm đầu năm 2024.

Đây là số dư tiền mặt thấp nhất của HPG trong 15 quý kể từ đầu năm 2021. Tiền “nhàn rỗi” giảm mạnh trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, khiến HPG hụt thu từ lãi tiền gửi. Trong quý III, lãi từ tiền gửi của HPG chỉ đạt 256 tỷ đồng (giảm hơn 44%) và là mức thấp nhất kể từ quý I-2021.

Thông tin nợ vay tăng mạnh trong quý III là nguyên nhân khiến HPG mất đi động lực tăng giá. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, HPG gần như đi ngang ở mức giá hơn 26.000 đồng/cổ phiếu.

Link gốc