Kinh tế Việt Nam hiện nay và tầm nhìn tới năm 2030
Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay đặt ra nhiều vấn đề kinh tế – xã hội cần phải giải quyết. Việc nhận định, đánh giá những vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện chiến lược kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023 và những suy nghĩ cho chiến lược phát triển kinh tế trong những năm tới là nội dung chính sẽ được đề cập trong bài viết này.
Kinh tế Việt Nam hiện nay và vấn đề đặt ra
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023 được thực hiện trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố tác động tới nước ta như: Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 kéo dài tới gần 10 năm, kinh tế thế giới mới có dấu hiệu hồi phục và có khả năng lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới do các quốc gia buộc phải thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính sau những năm nới lỏng; cuộc cạnh tranh giữa một số nước đang lan rộng có nguy cơ gia tăng sự đối đầu; khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp gây thiệt hại to lớn cả về người và của ở nhiều quốc gia; các vấn đề dân số, lương thực, năng lượng… cũng đang đặt ra nhiều vấn đề không dễ giải quyết.
Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023 đã đạt được những kết quả, đó là những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta:
– Tăng trưởng GDP bình quân 7,20%, Việt Nam cũng đã được xếp vào hàng nước tăng trưởng cao trên thế giới.
– Kinh tế vĩ mô tuy có diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung là tương đối ổn định.
– Môi trường đầu tư được hoàn thiện, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
– Tình hình chính trị – xã hội ổn định tạo ra môi trường an toàn và thuận tiện cho sự phát triển.
Trong giai đoạn 2020 – 2023, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, cùng với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các nền kinh tế. Song, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, kinh tế nước ta vẫn có nhiều điểm tích cực so với nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Năm 2022, cùng với cả thế giới, kinh tế Việt Nam phải đối đầu với những biến động khó lường, như: xung đột Nga – Ukraina dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam; việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19, sự tăng vọt của giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào… Song, do Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phù hợp, đặc biệt là thực hiện khẩu hiệu “vừa chống dịch, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép”, kinh tế đã có bước phục hồi tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát;
GDP tăng ở mức 8,02% so với năm 2021, cao nhất trong 10 năm qua; quy mô đạt 9.513 triệu tỷ đồng, tương đương 391,92 tỷ USD; năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành đạt 188,1 triệu đồng/lao động, tương đương 8.083 USD, tăng 622 USD so với năm 2021. Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022, tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện.
Năm 2023, nhìn chung đã đạt được những mục tiêu lớn cơ bản; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 4,16%, thị trường tiền tệ và tỷ giá hối đoái cơ bản ổn định mặc dù thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động lớn; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 – thời điểm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cục diện kinh tế thế giới trong những thập kỷ qua và trong các thập kỷ tới đã, đang và sẽ thay đổi một cách nhanh chóng, có đặc trưng của một thời kỳ đại biến động. Tuy nhiên, tư duy của con người đã không thay đổi kịp, tạo ra một độ trễ, thậm chí tụt hậu. Do vậy, các chiến lược, chính sách, thể chế của các quốc gia đã không thay đổi kịp – đây là một nguyên nhân cơ bản làm cho tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới cũng như các quốc gia có phần xấu đi.
Thực tiễn ở Việt Nam cũng tương tự – trong gần 40 năm qua, công cuộc đổi mới đã trải qua một chặng đường quan trọng đã mang lại những kết quả to lớn. Nhưng từ cuối những năm 2000 đến nay, thực tiễn Việt Nam đã biến đổi vượt quá tư duy và quan điểm phát triển hình thành vào thời kỳ đầu đổi mới. Vì thế, việc đổi mới tư duy phát triển ở Việt Nam đang là vấn đề cấp bách hiện nay và cũng là điều kiện để thực hiện các giải pháp.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn tới phải giải quyết vấn đề trên đây một cách hiệu quả, thì mới có thể tạo ra một đà phát triển mới cho nền kinh tế đất nước.
Công nghiệp Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, có chất lượng và giá trị cao. ẢNH: QUANG VINH
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2024 – 2030
Bối cảnh quốc tế và trong nước
Bối cảnh quốc tế của giai đoạn 2024 – 2030 rất khó dự báo. Nhưng có thể diễn ra theo hướng xấu hơn hiện nay, do chiến tranh thương mại, do chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính, do các xung đột khu vực… Có khả năng sẽ tốt hơn lên, đi vào ổn định hơn, do những bước tiến về công nghệ, do các chính phủ điều chỉnh chính sách phát triển… Nhưng cũng có thể diễn biến trì trệ như hiện nay. Những xu hướng phát triển này sẽ do những yếu tố chi phối, như: 1) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiến triển như thế nào, đi vào cuộc sống thực tế đến đâu và sẽ tạo ra những tác động gì; 2) Tác động của các cuộc xung đột, tranh chấp diễn ra như thế nào; 3) Các vấn đề toàn cầu như: lương thực, năng lượng, dân số, biến đổi khí hậu… sẽ được giải quyết ra sao, có tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển hay ngược lại.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2024 – 2030 phải tính tới bối cảnh quốc tế này. Bối cảnh trong nước cũng có những yếu tố cần phải được tính tới. Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế qua gần 40 năm, đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng giờ đây cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề kinh tế – xã hội cần phải tiếp tục được giải quyết.
Bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế thế giới là cơ hội cho Việt Nam nhìn nhận lại tư duy phát triển trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, trong đó có nhận thức mới về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, về mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với quy luật và xu thế chung, từ đó đẩy mạnh cải cách, điều chỉnh để vượt qua những cản trở đối với sự phát triển nhanh và bền vững.
Hội nhập kinh tế theo chiều sâu cũng có nghĩa là tạo một sự chuyển biến căn bản trong cơ cấu và thể chế kinh tế, nói đúng hơn là phải làm cho nền kinh tế Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế thế giới và khu vực, phát huy mạnh mẽ lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Việt Nam cần coi trọng hội nhập đồng thời cả trên ba cấp độ là toàn cầu, khu vực và song phương, nhưng cần xác định đối tác chiến lược là quyết định.
Chủ đề của chiến lược giai đoạn 2024 – 2030
Chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn tới có thể là phát triển bền vững và sáng tạo. Phát triển bền vững bao hàm các nội dung: tăng trưởng cao, ổn định chính trị – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, không hủy hoại môi trường, ứng phó được với các biến đổi khí hậu…
Phát triển sáng tạo bao hàm các nội dung: trọng dụng nhân tài, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, đổi mới thể chế…
Phát triển bền vững và sáng tạo với những nội dung trên đây phải được cụ thể hóa trong tất cả các nội dung của chiến lược phát triển.
Một số vấn đề trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2024 – 2030
Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ hướng tới một nền kinh tế hiện đại, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp, công nghệ cao. Việt Nam cần tiếp tục phát huy vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động trẻ và dồi dào cùng với chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và sự bền vững của nền kinh tế.
Việt Nam có những điều kiện về các danh lam thắng cảnh hàng đầu thế giới, như: Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang, Cam Ranh; cùng với hơn 3.000 hòn đảo ven biển, vùng cát trắng ven biển miền Trung được một số tổ chức quốc tế đánh giá đẹp nhất thế giới; các di tích lịch sử như: khu di tích Tràng An…
Với những tiềm năng trên, Việt Nam có thể phát triển các ngành:
– Du lịch cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao;
– Bất động sản cao cấp với các đô thị quốc tế;
– Dịch vụ sửa chữa tàu biển và công nghiệp đóng tàu;
– Các ngành thương mại và tài chính quốc tế;
– Các ngành công nghiệp phục vụ cho các ngành trên và sản xuất chế biến nông lâm hải sản…
Việt Nam sẽ không chỉ là nơi phát triển các ngành công nghiệp gia công xuất khẩu như hiện nay. Để phát triển có hiệu quả tất cả các ngành trên, Việt Nam phải đầu tư xây dựng các trung tâm phát triển sáng tạo, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam theo hướng:
– Xây dựng chiến lược trọng dụng nhân tài, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài; đãi ngộ vật chất, tạo dựng cơ sở hạ tầng xã hội phù hợp, điều kiện làm việc thuận lợi cho sáng tạo.
– Gia tăng đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu triển khai.
– Xây dựng các trung tâm nghiên cứu triển khai với sự hỗ trợ của Nhà nước.
– Chính phủ cần có quan hệ kết nối với Chính phủ các nước phát triển hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm nghiên cứu triển khai.
– Việt Nam cũng phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào phát triển các ngành trên theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Thực hiện chương trình đổi mới hệ thống chính trị theo hướng công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực…
– Trước hết, cần có chính sách thi tuyển các nhân tài vào các cơ quan công quyền, loại bỏ triệt để tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”.
– Đảng cần ban hành những cơ chế cụ thể chặt chẽ về sự lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp.
– Các cơ quan tư pháp nên thống nhất quản lý theo ngành dọc.
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các nhà khoa học nếu có thành tích xuất sắc, có sức khoẻ vẫn có thể được tái bổ nhiệm không bị giới hạn về tuổi tác.
– Áp dụng cơ chế “thi tuyển có cạnh tranh công khai” đối với các cán bộ quản lý trong bộ máy công quyền.
Việt Nam phải tìm kiếm một con đường phát triển của riêng mình, phù hợp với thời đại và những điều kiện của Việt Nam. Thực hiện một chiến lược phát triển với những nội dung chủ yếu như trên cũng chính là thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
VÕ ĐẠI LƯỢC – Tiến sĩ khoa học,
Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
Nguồn: https://tapchimattran.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-hien-nay-va-tam-nhin-toi-nam-2030-58467.html