Ngành phân bón sẽ đối diện với những rủi ro gì?
Mặc dù, đang có sự tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ cho nông nghiệp bền vững, nhưng ngành phân bón được dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn.
Nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam vào khoảng 11 triệu tấn mỗi năm – Ảnh minh họa.
Nhu cầu tiêu thụ tăng cao
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất khẩu trên 1,29 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 530,66 triệu USD, giá trung bình 410,3 USD/tấn, tăng 8,5% về khối lượng. Campuchia là nước dẫn đầu nhập khẩu phân bón của Việt Nam, chiếm 32,8% tổng kim ngạch.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,85 triệu tấn, với tổng trị giá khoảng 1,28 tỷ USD, tăng 29,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trong ba quý đầu năm 2024, sản xuất phân bón hóa học của Việt Nam tăng trưởng khoảng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng phân urê, tăng khoảng 8%, trong khi phân NPK tăng khoảng 13,3%. Sự tăng trưởng này đạt được nhờ việc mở rộng cơ sở sản xuất và nâng cấp công nghệ để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam vào khoảng 11 triệu tấn mỗi năm, bao gồm các loại: urê, DAP, NPK, Kali… Trong đó, phân urê chiếm tỷ trọng sản xuất lớn, với tổng công suất ước đạt 3 triệu tấn/năm với phần lớn nguyên liệu đầu vào khai thác trong nước từ các mỏ khí như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn.
Trong khi đó, AgroMonitor dự báo tiêu thụ ure trong 2024 tăng khoảng 13% so với niên vụ 2022 – 2023. Nhu cầu phân bón ngắn hạn kỳ vọng cải thiện nhờ các yếu tố: nguồn cung xuất khẩu gạo thế giới chưa cải thiện; xuất khẩu nông sản Việt Nam kỳ vọng tích cực, giúp gia tăng lượng phân bón tiêu thụ. Riêng kali, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Nhu cầu trong nước vẫn ổn định khi các nông dân Việt Nam tiếp tục áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại.
Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), thị trường phân bón tại Việt Nam có giá trị 3,44 tỷ USD trong năm 2024, dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 3,38%, có thể đạt 4,20 tỷ USD vào năm 2030 (tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2017-2023 là 1%).
TPS đánh giá, ngành phân bón Việt Nam đang có sự tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ cho nông nghiệp bền vững, mở rộng canh tác định hướng xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi sang cây trồng có năng suất cao và đầu tư vào các phương pháp canh tác bền vững.
“Ngoài ra, khi dân số Việt Nam tăng, nhu cầu về sản xuất thực phẩm cũng tăng, từ đó thúc đẩy nhu cầu về phân bón. Tuy nhiên, Việt Nam cũng tham gia cam kết phát triển bền vững do vậy cũng sẽ phát triển theo xu hướng thế giới tập trụng mạnh vào phân bón hữu cơ và phân bón sinh học”, TPS đánh giá.
5 rủi ro chính
Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán này vẫn chỉ ra 5 rủi ro chính đối với ngành phân bón Việt Nam trong thời gian tới: Thứ nhất, xu hướng sử dụng các sản phẩm phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ càng ngày càng trở nên phổ biến thay cho phân bón hóa học nhằm chống suy thoái đất, bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, phân bón hữu cơ có những điểm yếu là khó cơ giới hóa sản xuất theo quy mô lớn và chủ yếu phân hữu cơ hiện nay cho năng suất khá thấp so với phân hóa học nên vẫn chưa có niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, các hạn chế về sử dụng phân bón đang diễn ra tại các nước châu Âu.
Thứ hai, biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan thời tiết: Thời tiết thay đổi ngày càng khó dự báo khiến nông dân lo lắng cho việc quyết định gieo trồng. Cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng gián đoạn thời gian trồng trọt, giảm năng suất nông nghiệp dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng phân bón cho năm sau đó.
Thứ ba, những xung đột chính trị có thể ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung và cầu của thị trường trong trung hạn và dài hạn. Nếu các lệnh cấm vận được gỡ bỏ nguồn cung sẽ tăng đáng kể từ các nước bị cấm vận và ở chiều ngược lại khi các lệnh trừng phạt được gia tăng sẽ làm thiếu hụt nguồn cung.
Thứ tư, hiện Trung Quốc vẫn chủ trương duy trì chính sách kiểm soát hạn ngạch xuất khẩu phân bón ra thị trường quốc tế nhưng chính sách này có thể thay đổi gây sức ép lên nguồn cung thế giới.
Thứ năm, tiêu thụ phân bón ngoài chịu ảnh hưởng của giá cả nguyên liệu đầu vào còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như: biến động tỷ giá, chi phí vận chuyển, các quy định hạn chế sử dụng phân bón, lãi suất cao hay sự chậm hỗ trợ từ các Chính phủ có thể ảnh hưởng quyết định gieo trồng của nông dân.