Ngành thép Mỹ đòi tăng bảo hộ, doanh nghiệp Việt ứng phó thế nào?
Hiệp hội Các nhà sản xuất Thép Mỹ (SMA) đang ủng hộ kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với Mexico,
Canada và Trung Quốc, thậm chí còn muốn ông Trump xem xét áp thuế với các quốc gia Đông Nam Á.
Xuất khẩu thép sang các thị trường lớn 7 tháng đầu năm 2024. Nguồn: TCHQ
SMA vừa gửi đến đội chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump một bản kiến nghị gồm 5 điểm, trong đó kêu gọi tăng cường thuế quan để hỗ trợ sản xuất trong nước.
Đề xuất tăng thuế quan
SMA lập luận rằng việc tăng thuế sẽ thúc đẩy thị trường thép nội địa, nâng cao giá bán, cải thiện lợi nhuận và mở rộng lực lượng lao động, đồng thời giúp ngành sản xuất Mỹ bớt bị cạnh tranh một cách “không công bằng”.
“Chúng tôi luôn bị đe dọa bởi các nền kinh tế phi thị trường, những nước lách luật thương mại của Mỹ để bán phá giá thép giá rẻ, được trợ cấp mạnh và có lượng khí thải cao, cùng các sản phẩm khác vào thị trường Mỹ, khiến các nhà sản xuất trong nước khó cạnh tranh”, Chủ tịch SMA, Philip K. Bell, cho biết.
Trong bản kiến nghị, SMA ủng hộ kế hoạch thuế quan mới của ông Trump đối với Mexico và Canada, đồng thời kêu gọi các biện pháp mạnh hơn với Trung Quốc. Hiệp hội này cũng đề xuất tái áp dụng thuế đối với thép từ Vương quốc Anh, EU và Nhật Bản – các quốc gia từng chịu mức thuế tương tự dưới thời ông Trump năm 2018 nhưng sau đó được chính quyền Biden miễn giảm một phần.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết đưa thuế quan thành trọng tâm trong chính sách kinh tế để khuyến khích sản xuất nội địa. Ông đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% với tất cả hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, trừ khi hai nước này tăng cường ngăn chặn ma túy và người di cư vào Mỹ. Đồng thời, ông Trump cũng kêu gọi áp mức thuế cao hơn đối với thép từ Trung Quốc.
SMA cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giám sát thép nhập khẩu từ Mexico, quốc gia đứng thứ hai sau Canada về lượng thép xuất khẩu vào Mỹ (4,2 triệu tấn năm ngoái). Theo SMA, Trung Quốc đang sử dụng các kênh trung chuyển qua Mexico để né thuế.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp thuế đối với thép Trung Quốc nhập khẩu qua Mexico, nhưng việc xác định nguồn gốc thép vẫn là thách thức lớn. Để ngăn chặn hiện tượng này, SMA đề xuất tăng thuế lên 60% đối với thép từ Trung Quốc và mở rộng thuế sang các sản phẩm từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan.
Với các thỏa thuận thương mại hiện tại như hạn ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc, SMA đề xuất đàm phán lại để phù hợp với thực tế thị trường. Đồng thời, SMA khuyến nghị loại bỏ các miễn trừ thuế chung và áp dụng các yêu cầu chứng nhận nghiêm ngặt hơn để giảm tình trạng lạm dụng hệ thống.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng việc áp dụng mạnh tay các biện pháp thuế quan có thể khiến giá hàng tiêu dùng tại Mỹ tăng cao. Hiện tại, giá thép tại Mỹ thuộc nhóm cao nhất thế giới, nhưng nhu cầu giảm từ các ngành công nghiệp như ô tô đang gây áp lực lên thị trường.
Nguy cơ với thép Việt Nam
Trong bản kiến nghị, SMA nêu rõ cần áp dụng thuế theo Điều khoản 301 đối với các sản phẩm Trung Quốc được gia công thêm tại các nước khác, đặt ra áp lực lớn cho ngành thép Việt Nam.
“Chính quyền Mỹ cũng nên áp dụng thuế theo Điều khoản 301 đối với các sản phẩm từ Trung Quốc được gia công thêm hoặc tích hợp vào các sản phẩm hạ nguồn tại các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam và Thái Lan”, SMA nhấn mạnh.
Năm 2024, xuất khẩu thép Việt Nam sang Mỹ chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 10 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng đạt 1,11 triệu tấn, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng kim ngạch 923 triệu USD, tăng 91,3%.
Với xu hướng bảo hộ của ngành thép Mỹ, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị xem xét như một quốc gia “trung chuyển” thép giá rẻ từ Trung Quốc, dẫn đến các cuộc điều tra thương mại kéo dài, và có thể chịu những biện pháp hạn chế nhập khẩu nghiêm ngặt hơn từ phía Mỹ.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: “Thép là mặt hàng nhạy cảm và thường xuyên trở thành mục tiêu phòng vệ thương mại trên thế giới. Khi thép Việt Nam đạt được tăng trưởng xuất khẩu, cũng là lúc các nước đẩy mạnh điều tra chống bán phá giá”.
Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho rằng các chính sách thuế quan sắp tới của Mỹ cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để thép Việt Nam thay thế hàng Trung Quốc. Nhưng thách thức riêng với thép Việt cũng không hề nhỏ.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu mức thuế quan tiềm năng lên đến 25% được áp dụng, kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang Mỹ có thể giảm từ khoảng 1,11 triệu tấn năm 2024 xuống còn khoảng 500.000 – 700.000 tấn. Điều này tương đương với việc mất đi 40-50% tổng doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ.
Theo các chuyên gia, để tránh thiệt hại, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sản xuất hiện đại, tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực khác, đồng thời xây dựng hệ thống đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với chi phí vận hành tiếp tục gia tăng. Mặc dù vậy, đây vẫn là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.