Ngành vật liệu xây dựng đang có nhiều thuận lợi phát triển

Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục giảm sút qua thời gian và gặp rất nhiều khó khăn và chỉ có thể hồi phục phần nào vào giai đoạn giữa năm 2024. Với những thông tin tích cực gần đây đã cho thấy ngành có triển vọng phục hồi.

Một gian hàng tại triển lãm quốc tế Vietbuild.

Chuyển biến tích cực

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt về các lĩnh vực nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn của DN để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực.

Nhờ đó, tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 tiếp tục ổn định; nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, các dự án đường cao tốc liên vùng, liên tỉnh, sân bay, cảng biển được khởi công, khánh thành; thị trường bất động sản có những chuyển biến tích cực, nguồn cung được cải thiện.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 cho thấy, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2024 ước đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 66,5% và tăng 24,6%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam mười tháng năm 2024 ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, có thể nói đây là điều kiện và cơ hội thật sự thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, kiến trúc xây dựng, vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất, thúc đẩy sản xuất, hoạt động kinh doanh cũng như góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Kỳ vọng cải thiện

Các chuyên gia nhìn nhận, trong những tháng cuối năm 2024, ngành VLXD sẽ tiếp tục phục hồi khi có sự hỗ trợ từ lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản. Tuy nhiên, các yếu tố như giá nguyên liệu, chính sách tín dụng, và xu hướng phát triển vật liệu xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cung cầu trên thị trường. Các nhà sản xuất và nhà thầu xây dựng cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế và chính sách để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Nhu cầu đối với các vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường đang tăng lên. Các sản phẩm như gạch không nung, bê tông tự nhiên, và vật liệu tái chế đang được nhiều công ty xây dựng chú trọng. Các vật liệu này có thể được ưa chuộng hơn nếu giá thành hợp lý và hiệu quả thi công cao.

Công nghệ xây dựng ngày càng phát triển, đặc biệt là trong việc áp dụng các vật liệu mới và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại vật liệu xây dựng thông minh và tiết kiệm chi phí.

Đại diện Công ty CP Jega Việt Nam cho biết, đơn vị luôn thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất và xây dựng một nền tảng kỹ thuật số toàn diện cho ngành nội thất, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái kết nối, hợp tác và phát triển bền vững.

Ngành sản xuất nội thất đang đối mặt với áp lực lớn về năng suất, chất lượng, cá nhân hóa và chi phí. Điều đó đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc cắt giảm các chi phí cố định, nhưng vẫn phải đảm bảo năng suất đáp ứng được nhu cầu ngày càng phức tạp.

Là đơn vị cung cấp hệ sinh thái kỹ thuật số và nền tảng dịch vụ chuỗi cung ứng toàn diện cho ngành nội thất, được xây dựng trên công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Hướng tới việc trở thành một nền tảng công nghệ cốt lõi, giúp các doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi công nghiệp nội thất áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu suất, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành cho biết, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong xây dựng ở nước ta còn rất lớn, vì diện tích nhà ở toàn quốc vẫn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 43%; hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng chưa hoàn thiện…

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng nước ta lại đang gặp khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều sụt giảm, dễ dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thời gian tới, cần tăng cường dự báo diễn biến trong và ngoài nước để chủ động đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp có định hướng ổn định sản xuất, kinh doanh; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái; mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Không những thế, cần đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển, và hải đảo phụ vụ dân sinh và phát triển kinh tế biển. Chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thành Luân-Link gốc