Ngành xi măng vẫn đối mặt với khó khăn

Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, ngành xi măng đang đối mặt với khó khăn vô cùng lớn khi tiêu thụ nội địa ở mức thấp và xuất khẩu gặp khó khăn.

Hàng loạt sản phẩm xi măng rời tăng giá

Sau khi giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,8%, cùng với các cuộc xung đột quân sự trên thế giới đang diễn ra căng thẳng khiến giá nguyên, nhiên liệu đầu vào như than, dầu… biến động lớn, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các DN xi măng trong nước đã tìm giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và điều chỉnh giá bán sản phẩm.

Từ ngày 20/10, hàng loạt DN xi măng gồm: Bỉm Sơn, Bút Sơn, Long Sơn, Xuân Thành, Vicem Hoàng Mai, Thành Thắng Group đã gửi thông báo điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng rời các loại lên 50.000 đồng/tấn. Ngoài ra, riêng Tập đoàn The Vissai tăng giá bán các loại xi măng rời lên 46.300 đồng/tấn.

Ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Ảnh: Trần Dũng

Đại diện Công ty CP Xi măng Thành Thắng Group cho biết, giá điện vừa tăng thêm 4,8%, trong khi giá điện năng chiếm 14 – 15% giá vốn sản phẩm khiến cho giá thành sản xuất tăng cao, dù DN đã áp dụng nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất như tận dụng nhiệt khí dư từ các dây chuyền nhưng vẫn chưa thể bù đắp được chi phí sản xuất. Việc tăng giá sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, bảo đảm duy trì sản xuất. Ngược lại, giá xi măng và clinker liên tục giảm, nhiều sản phẩm đang phải bán dưới giá thành sản xuất.

Như mọi năm, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu sử dụng xi măng rất cao nhưng năm nay thì trái lại, khiến nguồn cung tiếp tục dư thừa. Điều này buộc các DN sản xuất xi măng phải tìm đến thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khi xuất khẩu, xi măng Việt Nam cũng phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2024, sản lượng sản xuất xi măng đạt khoảng 66 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2023; tiêu thụ đạt 66 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Kênh xuất khẩu cũng giảm, 9 tháng mới đạt 22,5 triệu tấn, trị giá 863 triệu USD, giảm 4,3% về lượng, giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ.

Cần giải pháp hữu hiệu

Theo các chuyên gia, xi măng là một trong những lĩnh vực quan trọng, phát triển nhanh, mạnh, có đóng góp cho GDP hàng năm trên 5 tỷ USD; là một trong những lĩnh vực sản xuất của Việt Nam nằm trong Top 5 nước trên thế giới, không những đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Sản lượng tiêu thụ xi măng trong năm 2024 có thể đạt khoảng 65 – 70 triệu tấn, tăng khoảng 5 – 10% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phát triển này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như biến động giá nguyên liệu và chính sách quản lý của Nhà nước như các dự án hạ tầng lớn, đô thị hóa; xu hướng xanh – bền vững; nhu cầu từ ngành công nghiệp xây dựng và đầu tư từ các DN.

Tại Hội nghị chuyên đề về công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhìn nhận, lĩnh vực xi măng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, được nhiều DN quan tâm và đã thực hiện trong thời gian vừa qua là đầu tư đổi mới công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng trong giá thành sản xuất như: chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện, chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng…

Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và cho chính các DN xi măng, vật liệu xây dựng thực hiện những giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN xi măng, vật liệu xây dựng nhằm giúp DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu lại nguồn lực, tiết giảm chi phí, tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Vũ Tiến Lực – Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, cả nước có tổng cộng 92 dây chuyền (công nghệ lò quay), với tổng công suất 122 triệu tấn/năm. Hiện có 34/92 dây chuyền đầu tư lắp đặt và đưa vào hoạt động hệ thống phát điện nhiệt dư với tổng công suất khoảng 248MW (34/63 dây chuyền có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên), trong đó chủ yếu là của các nhà máy xi măng thuộc khối DN tư nhân và liên doanh. Còn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), trong toàn hệ thống Vicem, hiện mới có Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 và Nhà máy xi măng Bút Sơn đang vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Việc đầu tư hệ thống phát điện nhiệt khí thải lò nung xi măng đã giảm được 25 – 30% chi phí điện năng.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam Đinh Quang Dũng cho biết, 9/10 DN thành viên dự kiến triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện (hệ thống WHR). Theo tính toán, các dự án tận dụng nhiệt khí thải đang triển khai có tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 71,45 MW, tổng công suất phát điện dự kiến khoảng 63,4 MW.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, lãnh đạo Vicem đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành đối với việc xử lý chất thải, xử lý chất thải trong sản xuất xi măng; xem xét từng bước thí điểm xây dựng thị trường chất thải. Vụ Vật liệu Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ DN.

Có thể thấy, thị trường xi măng Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều cơ hội và thách thức. Để duy trì đà tăng trưởng, các DN cần không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng đến các giải pháp bảo vệ môi trường. Với nền tảng vững chắc và tiềm năng phát triển lớn, thị trường xi măng Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn trong những năm tới.

Rác thải sử dụng làm nhiên liệu thay thế trong các nhà máy xi măng (như xi măng Insee, xi măng Bút Sơn; xi măng Sông Thao; xi măng Bình Phước…) được sử dụng chủ yếu là rác thải công nghiệp như: vải vụn, mảnh nhựa, cao su vụn, lốp xe, da giày, nhựa, rác thải, bã điều, vỏ cây, trấu, dầu thải và các dung môi… Chưa có nhà máy xi măng nào sử dụng rác thải sinh hoạt trên diện rộng.

Ông Vũ Tiến Lực – Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)

Link gốc