Nhà nông mong muốn chính sách góp phần giúp giá phân bón hạ nhiệt

Ngoài yếu tố thời tiết, người nông dân ngày nay đã có thể chủ động trong việc cải tạo đất, giống cây trồng, nước tưới, kiểm soát sâu bệnh… nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào phân bón. Thực tế, chi phí phân bón chiếm khá lớn trong tổng chi phí đầu vào của một vụ thu hoạch. Người nông dân có thể chấp nhận bỏ công làm lời, hưởng thành quả sau những nỗ lực của bản thân và gia đình. Nhưng phân bón là nguồn dinh dưỡng chính không thể thiếu đối với bất kỳ loại cây trái, hoa màu nào, nên việc giá phân bón liên tục tăng giá và neo ở mức cao khiến người nông dân gặp khó khăn.

Điều nông dân mong muốn nhất hiện nay là một chính sách để giá phân bón hạ nhiệt, bảo đảm cân đối chi phí và giá bán, để người nông dân gắn bó với ruộng vườn, với đồng lúa quen thuộc và làm giàu từ chính quê hương của mình.

Điều nông dân mong muốn nhất hiện nay là một chính sách để giá phân bón hạ nhiệt, bảo đảm cân đối chi phí và giá bán (Ảnh minh họa)

Bà Võ Lâm Quế (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Để vườn sầu riêng có diện tích khoảng 1.500 m2 ra trái đều, sai quả, ít sâu bệnh… chi phí ban đầu cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoảng 40 triệu đồng, chưa kể đến chi phí nước tưới, công chăm sóc và thu hoạch”.

Trong một chu kỳ để thu hoạch sầu riêng sẽ sử dụng nhiều đợt phân bón, chủ yếu là phân NPK cho giai đoạn nuôi lá, ra hoa, nuôi trái… sau khi thu hoạch là thời điểm quan trọng để cho cây hồi phục, giai đoạn này chi phí cho phân bón khá lớn.

Một khó khăn cho người nông dân là giá phân bón liên tục tăng nên chi phí đầu tư ngày càng lớn, trong khi giá bán thành phẩm sau thu hoạch phải phụ thuộc vào thị trường. Ngoài việc chăm sóc cây trái tốt tươi, cho nhiều quả, người nông dân không chủ động được khâu nào khác, phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, nên thường xuyên diễn ra tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Giá phân bón liên tục tăng, khiến chi phí đầu vào lớn dần lên, nhưng khi thu hoạch, lợi nhuận nhận về lại không tương xứng (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Thành (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Cả đời gắn bó với cây lúa nhưng hiện nay chúng tôi cũng khó khăn với chính cây lúa của mình. Giá phân bón liên tục tăng, khiến chi phí đầu vào lớn dần lên, nhưng khi thu hoạch, lợi nhuận nhận về lại không xứng đáng với công sức bỏ ra. Bà con xung quanh đây đã chuyển mô hình canh tác sang cây ăn trái, hoa màu khác. Còn tôi, vì tiếc cánh đồng lúa quen thuộc nên tôi vẫn bám trụ với cây lúa đến bây giờ”.

Thực tế, chi phí phân bón chiếm khá lớn trong tổng chi phí đầu vào của một vụ thu hoạch. Người nông dân có thể chấp nhận bỏ công làm lời, hưởng thành quả sau những nỗ lực của bản thân và gia đình. Nhưng phân bón là nguồn dinh dưỡng chính không thể thiếu đối với bất kỳ loại cây trái, hoa màu nào, liên tục tăng giá và neo ở mức cao đang khiến người nông dân gặp khó khăn. Cần lắm một chính sách để giá phân bón hạ nhiệt, bảo đảm cân đối chi phí và giá bán, để người nông dân gắn bó với ruộng vườn, với đồng lúa quen thuộc và làm giàu từ chính quê hương của mình.

Theo chia sẻ của anh Nghiêm Văn Cờ (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), sản xuất nông nghiệp hiện nay phải đầu tư rất nhiều loại chi phí. Đơn cử như trồng lúa thì phải bỏ tiền làm đất, mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, tiền cấy, rồi còn tiền gặt, tiền phân bón… Với diện tích 1 sào lúa (Bắc Bộ), nếu chăm tốt thì thu được khoảng 250kg thóc, 1kg thóc bán được 8.000-9.000 đồng nên chỉ thu về được khoảng hơn 2 triệu đồng/sào/hơn 3 tháng.

Để thu được 250kg thóc, người nông dân phải chi khoảng 600-700 nghìn đồng cho 35-40kg phân bón các loại, chưa kể các chi phí khác. Như vậy, tiền phân bón đã chiếm gần 1/3 giá thành sản phẩm, cộng thêm nhiều chi phí khác nên gần như người nông dân chỉ lấy công làm lãi, điều đó khiến họ không quá mặn mà với nghề trồng lúa.

Người nông dân hiện nay sản xuất nông nghiệp phải chi rất nhiều khoản chi phí như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công làm đất… trong đó phân bón là mặt hàng cực kỳ quan trọng (Ảnh minh họa)

Anh Đào Xuân Minh – Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Tổng hợp Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, người nông dân hiện nay sản xuất nông nghiệp phải chi rất nhiều khoản chi phí như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công làm đất… trong đó phân bón là mặt hàng cực kỳ quan trọng. Tùy từng loại cây trồng, người nông dân phải bón lót, bón thúc. Với những loại cây từ 3-4 tháng mới được thu hoạch thì người nông dân phải bón phân cho cây từ 4-5 lần. Do đó, phân bón chiếm một phần tương đối lớn trong tổng chi phí sản xuất của bà con nông dân, xã viên.

Người nông dân đã đầu tư cây trồng thì bắt buộc phải dùng phân bón để chăm sóc cho cây phát triển. Với giá phân bón cao cùng với việc phải bỏ ra nhiều chi phí khác khiến tỷ suất lợi nhuận của nhà nông rất thấp, thậm chí không có lãi, dẫn đến nhiều người không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hiền (huyện Thạnh Thới An, tỉnh Sóc Trăng), do giá phân bón tăng cao nên người làm nông sẽ rất thiệt thòi. Vì nếu giảm lượng phân bón trong các giai đoạn bón lót, bón thúc thì lúa chậm phát triển, không chắc hạt dẫn đến năng suất thấp, nhưng nếu bón đủ thì lại tốn thêm chi phí, phương án nào cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con.

“Mong muốn Nhà nước có chính sách giảm giá phân bón, ổn định giá phân bón để bà con nông dân được nhờ, yên tâm chuẩn bị cho mùa vụ. Nông dân chúng tôi chỉ mua phân bón dùng khi cần đến, nên việc giá phân cao hoặc lên xuống thất thường cũng tác động rất nhiều đến việc sản xuất”, bà Hiền bày tỏ.

Chị Nay H’Nga (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) bộc bạch: “Thời gian qua, giá phân bón cao trong khi giá nông sản không tăng nhiều khiến người nông dân chúng tôi dù cố gắng làm lụng nhưng cũng không có nhiều lãi. Những loại phân bón có giá thấp nhất cũng tăng từ 40-50%. Với cây cà phê, mỗi năm cần bón từ 3-4 lần, chưa kể các loại thuốc chống sâu, bệnh, dưỡng trái. Giá cả leo thang, ngoài bón phân vô cơ (hóa học) thì chúng tôi còn áp dụng phân hữu cơ, vi sinh để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nông sản. Dù rất vất vả, khó nhọc nhưng đành phải chấp nhận”.

Ông Nguyễn Minh Đức thu hoạch sầu riêng.

Ông Nguyễn Minh Đức (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Đợt bón thúc cho vườn cà phê ra trái, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc rất lớn. Tuy vậy nhưng tôi phải chấp nhận đầu tư vì cây cà phê thời điểm này cần lượng phân bón vừa đủ thì cây mới cho trái đều và chắc. Trong khi đó, giá phân đang cao nên chi phí sản xuất bị đội lên, dẫn đến phải cắt giảm chỗ khác để cân đối. Lượng phân bón cho cây thì cây nào cũng cần thiết, nên tôi đành thắt lưng buộc bụng để có đủ phân bón cho cây, hy vọng sẽ thu được quả chất lượng tốt.

Vườn sầu riêng vụ rồi được mùa, mỗi cây ra hàng chục trái, sau khi thu hoạch, cây mất nhiều sức, nên cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây hồi phục và tiếp tục cho trái vụ mới. Nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây vẫn là phân bón nên việc phân bón giá cao ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư cho cây trong vụ mới”.

N. Hiển

Link gốc