Phân bón cải tiến hướng tới nông nghiệp bền vững và giảm phát thải

Dự án ‘Sử dụng phân bón đúng’ góp phần bảo vệ tài nguyên đất bằng những hướng dẫn thực tế cho nông dân, khuyến khích áp dụng các loại hình phân bón thế hệ mới.

Hội thảo về phân bón cải tiến và chế phẩm sinh học cải thiện sức khỏe đất do Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế đồng tổ chức. Ảnh: Kiều Chi.

Sáng 3/12, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), tổ chức hội thảo về phân bón cải tiến và chế phẩm sinh học cải thiện sức khỏe đất.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ dự án “Sử dụng phân bón đúng” (FerRight), với mục tiêu chia sẻ thông tin và kiến thức về các loại phân bón mới có tiềm năng cải thiện hiệu quả sử dụng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các bên liên quan thảo luận về ưu, nhược điểm của các giải pháp hiện tại, cũng như những khoảng trống cần nghiên cứu thêm để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và bảo vệ sức khỏe đất bền vững.

Ông Nghiêm Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: IRRI.

Phát biểu khai mạc, ông Nghiêm Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: “Đề án Sử dụng phân bón đúng được Bộ NN-PTNT phê duyệt nhằm khuyến khích bảo vệ và khai thác sinh vật có ích, sử dụng các loại phân bón sinh học hiệu quả cao và áp dụng các mô hình canh tác tiên tiến. Mục tiêu là duy trì độ phì nhiêu của đất, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân”.

Ông Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm lượng phân bón hóa học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. “Việc sử dụng phân bón không hợp lý không chỉ làm tăng chi phí mà còn gây ô nhiễm môi trường và gia tăng phát thải khí nhà kính. Thách thức đặt ra là làm thế nào để cải thiện chất lượng lúa gạo, giảm phát thải carbon và tăng giá trị kinh tế từ lúa, rơm rạ, cũng như tín chỉ carbon”.

Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: IRRI.

Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Hoa Kỳ, chia sẻ về các kết quả bước đầu của dự án FerRight: “Chúng tôi đã phát triển cơ sở dữ liệu ban đầu về phân bón sáng tạo, thực hiện thí nghiệm thực địa để xác định tỷ lệ bón phân tối ưu và xây dựng các công cụ hỗ trợ nông dân áp dụng các thực hành quản lý dinh dưỡng đất bền vững”.

Theo ông Bean, sự hợp tác giữa các tổ chức như Cục Bảo vệ thực vật, USDA và IRRI không chỉ giúp giải quyết những thách thức trước mắt mà còn tạo nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn trong tương lai. Trong thời gian tới, dự án FerRight sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện các công cụ hỗ trợ, đồng thời tăng cường kết nối với nông dân và các bên liên quan để thúc đẩy ứng dụng các giải pháp bền vững vào thực tế sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nhà khoa học cao cấp tại IRRI, nhận định: “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện dành khoảng 30% chi phí canh tác cho phân bón”. Ảnh: IRRI. 

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, nhà khoa học cao cấp tại IRRI, sản phẩm đầu ra của dự án FerRight bao gồm cơ sở dữ liệu về đất, phân bón và quản lý canh tác; công nghệ gieo sạ hàng kết hợp vùi phân giúp tăng hiệu quả sử dụng dinh dưỡng; quản lý rơm rạ và sản xuất phân hữu cơ từ rơm; cùng các công nghệ vi sinh và ứng dụng khuyến nông điện tử.

Theo đó, cần đặc biệt quan tâm các công nghệ liên quan và hỗ trợ như cơ giới hóa gieo sạ kết hợp vùi phân, nông nghiệp chính xác và số hóa, sử dụng phân hữu cơ từ rơm, phát triển phân bón cải tiến. Điều này đòi hỏi sự tham gia và đóng góp tích cực từ các tác nhân liên quan, bao gồm các bộ, viện, trường, doanh nghiệp tư nhân, cùng việc xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ quản lý tài nguyên đất, dinh dưỡng, nước và các yếu tố biến đổi khí hậu.

Cần thiết lập các giải pháp phù hợp theo từng tiểu vùng sinh thái. Đồng thời, việc tăng cường năng lực và thay đổi hành vi của nông dân, nhà quản lý cần chú trọng theo hướng nâng cao kiến thức mới về áp dụng nông nghiệp chính xác để giảm đầu vào và phát thải, quản lý rơm rạ theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, và phát triển hệ thống khuyến nông điện tử.

Một trong những giải pháp đáng chú ý được giới thiệu tại hội thảo là việc sử dụng than sinh học, chất rắn giàu carbon, có khả năng cải thiện hệ vi sinh vật trong đất, điều chỉnh chu trình carbon, nitơ và tăng khả năng giữ nước, cải thiện cấu trúc đất.

Bà Leslie Honicker, chuyên gia nông học của USDA, cho biết sức khỏe đất đang đối mặt với nhiều thách thức như xâm nhập mặn, mất cân bằng pH, mất cân bằng vi sinh vật, ô nhiễm và ngộ độc dinh dưỡng.

“Than sinh học giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng hàm lượng diệp lục và năng suất cây trồng. Cấu trúc hạt lớn của than giúp tăng hấp thụ nitrat, đồng thời cải thiện độ phì nhiêu của đất”, bà Leslie cho biết.

Các loại phân bón thế hệ mới, bao gồm phân bón hữu cơ, phân bón tan chậm, phân bón kiểm soát giải phóng và chế phẩm sinh học, đang được kỳ vọng sẽ tối ưu hóa hiệu suất sử dụng dinh dưỡng trong nhiều điều kiện canh tác khác nhau. Theo bà Leslie, những loại phân bón này không chỉ cải thiện năng suất cây trồng mà còn góp phần giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Kiều Chi

Link gốc