Phân bón trong nước tiếp tục chịu thiệt?

Phân bón sản xuất trong nước được bà con nông dân mua nhiều bởi dễ sử dụng, chất lượng tốt và phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn chọn phân bón nhập khẩu vì giá thành rẻ hơn. Chính điều đó đã khiến phân bón trong nước phải chịu thiệt thòi, thua ngay trên sân nhà.

Đại lý phân bón Trần Văn Phước

Những hạn chế của Luật Thuế 71

Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Luật số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) đã bộc lộ một số hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất phân bón của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Đó là, trước khi áp dụng luật, phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 5%. Trừ nguyên liệu như quặng apatit cho sản xuất phân bón chứa lân, phân bón đơn cho sản xuất phân NPK thì các nguyên vật liệu khác, năng lượng, chi phí than, điện nước… có thuế suất GTGT là 10%. Các chi phí này có tỷ trọng lớn nên nhiều doanh nghiệp được hoàn thuế do thuế GTGT đầu vào cao hơn thuế GTGT đầu ra.

Khi Luật Thuế 71 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại. Do đó, thuế GTGT đầu vào các nguyên vật liệu sản xuất được các doanh nghiệp đưa vào chi phí sản xuất, do không được khấu trừ ở đầu ra nên giá thành sản xuất tăng lên.

Trong khi đó giá phân bón trong nước đã tăng lên 6-8%, dẫn đến giá bán cũng tăng lên ở biên độ tương ứng. Nếu so sánh với thời điểm giá bán được áp thuế GTGT 5%, hiện tại người nông dân không được hưởng lợi vì giá phân bón sẽ đội lên, khiến người tiêu dùng cuối chịu thiệt.

Việc không được khấu trừ thuế GTGT, chi phí sản xuất tăng lên khiến giá thành sản phẩm tăng theo sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước so với các đơn vị nhập khẩu phân bón, đặc biệt là những loại phân bón được sản xuất từ nguyên vật liệu nguyên khai (apatit, than, secpentin…) như phân lân, đạm, phân DAP.

Ở các quốc gia có chi phí sản xuất thấp, cộng với nhiều ưu đãi về thuế GTGT nên chi phí sản xuất đầu vào rẻ, khi nhập vào Việt Nam, hiển nhiên giá phân bón sẽ thấp hơn trong nước sở tại. Với việc phân bón nhập khẩu tăng mạnh sẽ làm cho phân bón trong nước gặp khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động… Nhiều doanh nghiệp bị thất thu do không khấu trừ thuế GTGT hằng năm, nhưng vẫn phải đưa ra sản phẩm có giá cạnh tranh với thị trường. Người nông dân sử dụng phân bón nhập khẩu với chất lượng khó kiểm soát, tác động xấu đến vụ mùa và môi trường.

Cùng với đó là sự lệ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu, không thể bảo đảm sự phát triển bền vững của nông nghiệp, không khuyến khích doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm. Hệ quả là không tự chủ được sản lượng phân bón trong nước, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Ông Võ Quang Đức, hộ trồng sầu riêng ở thị trấn Phước An

Tác động đến người tiêu dùng

Ông Trần Văn Minh, Công ty TNHH MTV Trần Văn Phước, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện tại cửa hàng đang kinh doanh nhiều loại phân bón trong nước và nhập khẩu, trong đó phân bón nhập khẩu chiếm 30% số sản phẩm tại cửa hàng, chủ yếu là phân bón DAP nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn sản phẩm trong nước tại cửa hàng, chiếm khoảng 70% sản phẩm từ Phân bón Cà Mau, đây cũng là thương hiệu phân bón được bà con đón nhận nhiều nhất, bởi dễ sử dụng, chất lượng rất tốt và giá cả ổn định.

Về so sánh giá phân bón trong nước và nhập khẩu, phân bón trong nước có giá cao hơn phân bón nhập khẩu khoảng 5-10%, đây là phần chênh lệch của thuế GTGT không được tính vào chi phí sản xuất.

Mặc dù giá phân bón nhập khẩu thấp hơn giá phân bón trong nước nhưng cửa hàng ông vẫn phân phối chính là các loại phân bón trong nước, trong đó là Phân bón Cà Mau. Theo ông Minh, từ khi làm đại lý cho Phân bón Cà Mau, bà con nông dân nơi đây rất chuộng sản phẩm của công ty vì đạt năng suất cao, hiệu quả cho cây trồng, hạt to đều dễ sử dụng, nên việc kinh doanh phân bón trong nước cũng thuận tiện hơn.

Cũng là đại lý phân bón sử dụng sản phẩm chính là phân bón trong nước, bà Trịnh Mỹ Hà, Công ty TNHH Thuận Phát, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho hay cửa hàng của bà kinh doanh nhiều sản phẩm trong nước và nhập khẩu nước ngoài. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là DAP và Kali chiếm 40% tổng số sản phẩm tại cửa hàng. Sản phẩm phân bón trong nước, cửa hàng phân phối cho các thương hiệu như Phân bón Cà Mau, Đầu Trâu, Con Cò. Trong đó Phân bón Cà Mau chiếm 50% sản phẩm trong nước, đây cũng là phân bón được bà con nông dân yêu thích và sử dụng nhiều nhất bởi tính hiệu quả của sản phẩm, chất lượng và giá cả ổn định và có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, đại lý.

Dù giá phân phối sản phẩm phân bón nhập khẩu thấp hơn trong nước, nhưng cửa hàng bà vẫn thích bán sản phẩm trong nước, đặc biệt là Phân bón Cà Mau. Sản phẩm phân bón nhập khẩu vẫn có nhiều khách chọn vì giá tốt hơn, cửa hàng vẫn cung cấp để đa dạng thị trường, phục vụ nhu cầu khách hàng.

Trong khi đó, ông Võ Quang Đức, hộ trồng sầu riêng ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, gia đình trồng 3 sào (Trung Bộ) sầu riêng, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mỗi vụ khoảng 40 triệu đồng, chủ yếu sử dụng phân bón DAP và Kali nhập khẩu. Theo ông Đức, ông sử dụng phân bón nhập khẩu vì ở khu vực Tây Nguyên, giá phân bón nhập khẩu thấp hơn giá phân bón các thương hiệu trong nước. Mục tiêu chính của ông là tiết giảm chi phí đầu vào, bởi người nông dân không chủ động được giá bán nên ngay từ đầu nên tiết kiệm được chi phí nào thì hay chi phí đó. Cũng theo ông Đức, cây ăn trái đa phần bón phân Kali và DAP, ở đây các đại lý bán nhiều sản phẩm này nên dễ tiếp cận, sử dụng nhiều lần thành thói quen.

Thực tế, giá đầu vào ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận sau thu hoạch của người nông dân, chi phí đầu vào càng thấp, lợi nhuận càng cao và ngược lại. Điều này đã giúp cho phân bón nhập khẩu có chỗ đứng trên thị trường, bởi giá thành thấp hơn phân bón trong nước. Tuy nhiên, chính sự phổ biến đó làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân sử dụng phân bón trong nước, tác động đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, khiến họ thua ngay trên sân nhà. Nếu bài toán này không được giải quyết, phân bón trong nước sẽ lại tiếp tục chịu thiệt.

Việc không được khấu trừ thuế GTGT, chi phí sản xuất tăng lên khiến giá thành sản phẩm tăng theo sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước so với các đơn vị nhập khẩu phân bón, đặc biệt là những loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu nguyên khai.

Nguyễn Hiển

Link gốc