Thách thức thuế quan phủ bóng lên triển vọng xuất khẩu thép của Trung Quốc
Ông Ren Zhuqian, nhà phân tích của công ty tư vấn thép Mysteel, cho biết lượng hàng xuất khẩu thép của Trung Quốc “có xu hướng giảm” từ năm sau trở đi do các biện pháp chống bán phá giá.
Các nhà chiến lược tại Macquarie Capital dự đoán xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ đạt 109 triệu tấn trong năm nay, trước khi giảm xuống 96 triệu tấn vào năm 2025. (Nguồn: Reuters)
Các chuyên gia dự đoán xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trong 8 năm vào năm nay. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu này sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế suất cao và suy giảm vào năm 2025.
Là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc chiếm khoảng 55% sản lượng thép toàn cầu. Xuất khẩu thép của nước này đã tăng mạnh trong năm nay và dự kiến sẽ vượt mốc 100 triệu tấn, đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.
Các nhà chiến lược tại Macquarie Capital dự đoán xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ đạt 109 triệu tấn trong năm nay, trước khi giảm xuống 96 triệu tấn vào năm 2025.
Trong khi đó, các chuyên gia của Citigroup cho biết thuế quan có thể hạn chế thêm lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc, cho dù có thể cần một thời gian để cảm nhận tác động.
Ông Ren Zhuqian, nhà phân tích của công ty tư vấn thép Mysteel, cho biết lượng hàng xuất khẩu thép của Trung Quốc “có xu hướng giảm” từ năm sau trở đi do các biện pháp chống bán phá giá.
Thị trường nước ngoài đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với thép Trung Quốc, giữa bối cảnh nguồn cung trong nước dư thừa, trong khi nền kinh tế đang phải vật lộn với khủng hoảng bất động sản kéo dài và hoạt động sản xuất chậm lại.
Sau khi đạt mức cao kỷ lục 112 triệu tấn vào năm 2015, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã giảm trong nhiều năm trước khi bắt đầu cải thiện vào năm 2020.
Tháng 9/2024, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,2 triệu tấn, vượt mốc 10 triệu tấn/tháng lần cuối cùng được ghi nhận vào tháng 6/2016. Trong chín tháng kể từ đầu năm, xuất khẩu thép Trung Quốc tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 80,7 triệu tấn.
Thép giá rẻ tràn vào từ Trung Quốc đã gây lo ngại cho các đối tác thương mại về sự cạnh tranh không công bằng đối với các nhà sản xuất thép trong nước. Ngày càng nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp chống bán phá giá, bao gồm áp thuế cao.
Thái Lan đã nâng thuế chống bán phá giá lên 31% đối với thép cuộn cán nóng, thường được sử dụng cho xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 8/2024. Mexico áp thuế gần 80% đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Tháng này, Chính phủ Brazil áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, thuế bổ sung 25% của Canada đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc, được công bố vào tháng 8/2024, có hiệu lực vào ngày 22/10.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tăng gấp ba lần mức thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 4/2024. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump nói rằng ông có thể tăng thuế suất lên 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc nếu tái đắc cử vào tháng tới.
Tuy nhiên, tác động của những lời đe dọa từ Mỹ sẽ khá hạn chế, vì chỉ có chưa tới 1% xuất khẩu thép của Trung Quốc, trị giá 85 tỷ USD, được vận chuyển đến Mỹ vào năm 2023.
Ông Tomas Gutierrez, trưởng nhóm phân tích dữ liệu tại công ty tư vấn Kallanish Commodities, cho biết các biện pháp bảo hộ thương mại này thường có tác động ngắn hạn, vì các nhà xuất khẩu thép sẽ sử dụng các biện pháp như “lách luật,” loại bỏ nhãn mác “Trung Quốc” bằng cách vận chuyển qua một quốc gia thứ ba./.