Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin liên danh cùng Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ý Cường Thịnh vừa được lựa chọn thực hiện Gói thầu Mua sắm xút (NaOH) phục vụ nhu cầu sản xuất năm 2024 – 2025, số hiệu gói thầu 02/2024/TKV-XUT cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) với giá hơn 587,954 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính của Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin. Đơn vị tính: tỷ đồng
Với việc TKV nắm 36% vốn, Du lịch và Thương mại – Vinacomin trúng nhiều gói thầu trong hệ sinh thái của Tập đoàn, doanh thu từ năm 2017 đến nay luôn đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Trước đó, vào đầu năm nay, liên danh trên được công bố trúng Gói thầu Mua sắm xút (NaOH) phục vụ nhu cầu sản xuất năm 2024, số hiệu gói thầu 01/2024/TKV-XUT với giá hơn 657,4 tỷ đồng của TKV. Các sản phẩm này được nhập chủ yếu từ các nhà sản xuất, phân phối đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Cả 2 gói thầu cung cấp NaOH cho TKV đều được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng, chỉ có duy nhất liên danh trên tham dự và trúng thầu.
Bên cạnh 2 gói thầu này, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Du lịch và Thương mại – Vinacomin được công bố trúng: Gói thầu số 03-2024 Cung cấp lốp ô tô đặc chủng, loại lốp 27.00R49 cho Công ty CP Than Cao Sơn – TKV với giá trúng thầu 65,758 tỷ đồng (thấp hơn 2,3% so với giá gói thầu); Gói thầu Cung cấp dịch vụ phục vụ bữa ăn giữa ca, bồi dưỡng độc hại cho người lao động năm 2024 cho Công ty CP Than Cọc Sáu – Vinacomin với giá trúng thầu hơn 30,4 tỷ đồng; Gói thầu số 01 – 2024 Thuê ngoài dịch vụ cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại cho người lao động năm 2024 cho Công ty CP Than Cao Sơn – TKV với giá trúng thầu hơn 55,083 tỷ đồng và nhiều gói thầu quy mô nhỏ khác.
Thống kê cho thấy, phần lớn gói thầu mà Du lịch và Thương mại – Vinacomin trúng thời gian qua đều đến từ các đơn vị thành viên, công ty con của TKV. Đây cũng là nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho Công ty. Cụ thể, trong 1.372 tỷ đồng doanh thu năm 2023 của Công ty thì có đến 1.102 tỷ đồng (tương đương 80%) đến từ cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị của TKV. Còn trong năm 2022, nguồn thu này đóng góp 92%. Một số khách hàng lớn của Công ty là Công ty CP Than Cao Sơn – TKV, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV…
Ngoài ra, Công ty còn có nguồn thu đến từ kinh doanh du lịch lữ hành, vé máy bay, kinh doanh khách sạn.
Báo cáo của Du lịch và Thương mại – Vinacomin cho biết, Công ty luôn duy trì cung cấp ổn định các loại vật tư, thiết bị cho các đơn vị sản xuất than trong TKV, cung cấp các sản phẩm hóa chất cho 2 nhà máy Alumin Nhân cơ và Nhôm Lâm Đồng. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Công ty đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường sự hợp tác đối với các hãng lốp, hóa chất và những thiết bị công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác than hầm lò, nhằm tìm hiểu công nghệ khai thác để áp dụng với các đơn vị khai thác hầm lò tại Việt Nam.
Du lịch và Thương mại – Vinacomin tiền thân là Công ty Du lịch Than Việt Nam, là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Than Việt Nam, được thành lập đầu tháng 10/1996. Sau quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, hiện TKV chỉ còn sở hữu 36% cổ phần tại Du lịch và Thương mại – Vinacomin. Ngoài ra, Công ty còn có một số cổ đông lớn khác như Công ty CP Lốp xe Việt (15%), cá nhân Nguyễn Quỳnh Phương (6,98%), Nguyễn Mạnh Toàn (5,52%).
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Công ty đạt 493 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả là 433,8 tỷ đồng, tương đương 88%.
Nguồn: https://baodauthau.vn/tkv-mo-vang-cua-du-lich-va-thuong-mai-vinacomin-post164639.html