Việt Nam phải nhập khẩu hơn 2,3 tỷ USD phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hàng năm

Đây là thông tin từ ông Hoàng Trung – Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tại Lễ Khai mạc Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Hóa chất lần thứ 20 – VINACHEM EXPO 2024.tại TP.HCM.

VINACHEM EXPO 2024, mở ra cơ hội cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất trong và ngoài nước trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường.

Theo đó, Việt Nam có nhu cầu sử dụng trên dưới 10 triệu tấn phân bón và gần 50 nghìn thuốc bảo vệ thực vật. Do năng lực sản xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trên, nên hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 4 triệu tấn phân bón và hơn 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, với tổng giá trị hơn 2,3 tỷ USD.

Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ NN&PTNT đang hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải.

Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Đến nay đã có khoảng 15% lượng phân bón sử dụng đã chuyển đổi sang hữu cơ; hơn 13% sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam là thuốc sinh học, đem lại lợi ích to lớn cho môi trường và sức khỏe con người.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những khó khăn như: công nghệ sản xuất chưa đồng bộ, mô hình ứng dụng thực tế còn hạn chế,và nhận thức về sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học vẫn chưa lan tỏa sâu rộng.

Thứ trưởng đánh giá cao sự kiện Triển lãm quốc tế VINACHEM EXPO 2024. Trong số hơn 500 doanh nghiệp đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tại Triển lãm. Phía đại diện Việt Nam ghi nhận nhiều tên tuổi tiêu biểu trong ngành hóa chất nông nghiệp như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, CTCP Phân lân Ninh Bình, CTCP Phân bón Bình Điền,…

Đại diện Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc lâm cho biết, Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Chiến lược đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón…

Triển lãm được doanh nghiệp, giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá là sự kiện quốc tế chuyên ngành lớn nhất tại Việt Nam.

Với mục tiêu cụ thể, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 – 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 – 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 – 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4 – 5%.

Cục Hóa chất cho rằng Triển VINACHEM EXPO 2024 và các chuyên đề Triển lãm tổ chức đồng thời là một hoạt động cần thiết góp phần vào đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để từng bước phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm hóa chất.

Sự kiện cũng góp phần đảm bảo hơn nữa nhu cầu của thị trường, thực hiện theo chiến lược phát triển Công nghiệp Hóa chất Việt Nam là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành hoàn chỉnh, góp phần ổn định kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn mới theo hướng “Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn”.

Chuỗi sự kiện năm nay do CTCP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) và Ủy ban Xúc tiến Mậu dịch Quốc tế Trung Quốc Phân hội Hóa chất (CCPIT CHEM), Hiệp hội Công nghiệp Keo chất kết dính và băng keo Trung Quốc (CATIA), Tập đoàn Cao su Zhonglian Trung Quốc (CURC), Tập đoàn hóa chất Việt Nam (VINACHEM) phối hợp tổ chức với sự ủng hộ của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn), các ban ngành hữu quan và hơn 10 Hiệp hội ngành hàng liên quan trong nước và quốc tế thực hiện.

Link gốc