Việt Nam xuất khẩu phân bón ngày càng tăng
Phân bón Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia… và chưa xuất sang các thị trường ‘khó tính’ như EU, Mỹ.
Năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) thông báo thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Thời kỳ đầu CBAM sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.
PLO đã có cuộc trao đổi với TS.Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam về quá trình giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh của ngành phân bón, tác động của CBAM đối với xuất khẩu phân bón của Việt Nam thời gian tới.
Chuyển đổi xanh là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp phân bón
. Phóng viên: Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang ra các yêu cầu về chuyển đổi xanh. Việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, giảm thiểu khí phát thải nhà kính được các doanh nghiệp phân bón thực hiện thế nào, thưa ông?
+ TS. Phùng Hà: Nông nghiệp là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải. Và tùy theo từng quốc gia, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp liên quan đến phân bón chiếm khoảng 2.5% – 10%. Tuy nhiên chúng ta không thể không sử dụng phân bón. Bởi sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón.
TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: NGUYÊN HUÂN
Chuyển đổi xanh là hướng đi mới và tất yếu của các doanh nghiệp ngành phân bón hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Về sản xuất, đại đa số các doanh nghiệp phân bón nằm trong số 1.805 doanh nghiệp thuộc ngành công thương sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025 theo Nghị định 06/2022 của Chính phủ quy định về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang thực hiện việc kiểm kê và quản lý khí nhà kính theo yêu cầu này nhằm tiết kiệm năng lượng, nâng cao và đổi mới quy trình công nghệ thiết bị; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ một cách hợp lý.
Về sử dụng phân bón, nhằm thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính, ngành phân bón đã, đang và tiếp tục thực hiện là giảm lượng phân bón sử dụng trên một đơn vị diện tích. Theo FAO, hiện nay Việt Nam đang sử dụng hơn 400 kg phân bón vô cơ trên một ha, trong khi đó trung bình trên thế giới chỉ ở mức 135 kg/ha.
Doanh nghiệp phân bón Việt chưa chịu tác động của CBAM
. Với CBAM, khi quy định này có hiệu lực thì có tác động thế nào tới ngành phân bón Việt Nam, thưa ông?
+ Việc triển khai CBAM có thể gây ra tác động khá mạnh đối với hoạt động thương mại phân bón toàn cầu, có khả năng thay đổi luật chơi đối với cả các nhà sản xuất châu Âu và những nhà cung cấp cho khu vực.
Những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu phân bón ngày càng tăng về số lượng và về kim ngạch. Năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, giá trị 1,1 tỉ USD. Năm 2023 đạt 1,55 triệu tấn, giá trị 649 triệu USD. 10 tháng đầu năm 2024 đạt trên 1,44 triệu tấn, tương đương gần 591 triệu USD. Về thị trường, xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia, chiếm 33,2% trong tổng khối lượng, tiếp theo là Hàn Quốc, Malaysia… Hiện chưa xuất sang các thị trường “khó tính” như EU, Mỹ.
Tuy nhiên các doanh nghiệp phân bón cần quan tâm đến CBAM, cần chủ động thích ứng trước xu hướng mới và nên có sự chuẩn bị cần thiết ngay từ bây giờ trong quá trình xây dựng, hoạch định kế hoạch, chiến lược sản xuất.
Ngay trước mắt, các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp phân bón nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính cần chú trọng vào cải tiến, nâng cấp các quy trình, công đoạn sản xuất và vận chuyển hiệu quả hướng tới mục tiêu carbon thấp và đáp ứng tiêu chuẩn phát thải carbon ở các thị trường xuất khẩu “khó tính”.
Áp lực về vốn, công nghệ
. Như ông chia sẻ thì ngay bây giờ các doanh nghiệp phân bón cần chủ động thích ứng trước xu thế mới. Tuy nhiên quá trình giảm phát thải khí nhà kính, từng bước chuyển đổi xanh này thực sự không hề dễ dàng.
+ Đúng vậy, trong quá trình chuyển đổi xanh các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.
Chuyển đổ
i xanh là hướng đi mới và tất yếu của các doanh nghiệp ngành phân bón hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Các doanh nghiệp không thể giảm phát thải khí nhà kính nói riêng và chuyển đổi xanh nói chung khi không thay đổi thiết bị, công nghệ và quy trình công nghệ cũng như trình độ và nhận thức của người lao động.
Với khoảng 700 doanh nghiệp phân bón, mặc dù đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón, trừ phân bón kali, SA, các loại phân bón thế hệ mới, nhưng đa số các doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ta vẫn sử dụng thiết bị đã cũ, công nghệ ở mức trung bình, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ mới, thiết bị mới, lựa chọn được mô hình, công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp.
Cùng với công nghệ, vốn đầu tư là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực tài chính hạn chế, rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp.
Nhiều lợi ích khi doanh nghiệp phân bón chuyển đổi xanh
. Bên cạnh những khó khăn thì quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi và nhận được lợi ích gì, thưa ông?
+ Về thuận lợi, chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng khách quan và ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia. Với Việt Nam, việc xây dựng nền kinh tế xanh, công nghiệp xanh, chuyển đổi xanh thân thiện với môi trường cũng là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng và Chính phủ quan tâm, đã, đang và sẽ đẩy nhanh nhiều chương trình, dự án đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, hành lang pháp lý.
Về lợi ích, ngày nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường và xã hội liên quan đến hàng hóa. Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh sẽ gắn liền với phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng, như thế sẽ thu hút khách hàng và tạo thiện cảm cũng như sự gắn kết với khách hàng, dẫn đến nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp.
Chuyển đổi xanh không chỉ giúp phát triển bền vững mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp, thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào, giảm lượng chất thải và tối ưu hóa quy trình sản xuất, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí hoạt động và tăng cường hiệu suất.
Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp tránh những thói quen cũng như quy trình cũ lãng phí về tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, vật tư đầu vào, giảm chi phí xử lý chất thải rắn, lỏng, khí.
AN HIỀN