Xi măng tăng giá
Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã công bố áp dụng bảng giá bán mới với mức tăng phổ biến là 50.000 đồng/tấn sản phẩm. Nhà sản xuất cho biết, phải tăng giá vì giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng, riêng giá điện tăng 4,8% từ ngày 11-10.
Loạt doanh nghiệp xi măng tăng giá bán do giá thành sản xuất tăng. Ảnh: TTXVN
Nhiều doanh nghiệp xi măng như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, Xi măng Thành Thắng Group và Xi măng Xuân Thành đã tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn, riêng The Vissai tăng nhẹ 46.300 đồng/tấn, TTXVN đưa tin.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA, cho biết chi phí điện chiếm khoảng 15-20% trong tổng chi phí sản xuất xi măng. Do đó, việc tăng giá điện đã trực tiếp tác động đến giá thành sản phẩm và buộc các doanh nghiệp phải tăng giá bán để duy trì hoạt động.
Trong 3 quí năm 2024, thị trường nội địa và xuất khẩu xi măng đều giảm sút đáng kể với lượng tiêu thụ chỉ đạt xấp xỉ năm trước còn giá trị xuất khẩu giảm tới 15,1%. Đơn vị này cũng dự báo tình hình kinh doanh của ngành xi măng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn đến hết năm nay.
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện còn tác động đến nhiều loại vật liệu xây dựng khác khiến chi phí xây dựng tăng vọt. Các nhà thầu, đặc biệt là những đơn vị đã ký hợp đồng cố định hoặc trọn gói đang phải đối mặt với áp lực rất lớn.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét việc tăng cường sử dụng giải pháp cầu cạn trong các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, nhằm thúc đẩy tiêu thụ xi măng nội địa.
Ngoài ra, VNCA đề xuất sửa đổi nghị định 26/2023/NĐ-CP, giảm thuế suất xuất khẩu clinker về 0% để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc tăng thuế xuất khẩu và không được khấu trừ thuế VAT khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá, dẫn đến tình trạng sản xuất đình trệ.