Cần cơ chế đặc thù cho “sếu đầu đàn” ngành cơ khí
Để ngành cơ khí phát triển, cần nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm.
Ông Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù ngành cơ khí Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều doanh nghiệp là đối tác với các doanh nghiệp đa quốc gia nhưng quy mô và hoạt động vẫn khiêm tốn.
Tại các nhà máy về nhiệt điện, thuỷ điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu… doanh nghiệp mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.
Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, doanh nghiệp Việt Nam đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô. Điển hình vừa rồi thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của VinFast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành, góp phần cho ra đời một số dòng xe như: VF7, VF8, VF3… Hay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới thì doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời.
Tuy vậy, doanh nghiệp cơ khí chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. “Chẳng hạn như trong lĩnh vực đường sắt đô thị hiện nay, hoặc là trong lĩnh vực các nhà máy điện khí, doanh nghiệp chưa có đủ các năng lực để làm tổng thầu hoặc làm trọn gói”, ông Phong chia sẻ.
Đồng thời cho biết, tại các nhà máy về nhiệt điện, thuỷ điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu… doanh nghiệp mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.
“Chỉ khi chúng ta có những doanh nghiệp đủ năng lực để làm tổng thầu thì chúng ta mới có thể phát triển các thiết bị phụ trợ của các dây chuyền thiết bị. Còn nếu chúng ta không làm chủ được thì nước ngoài làm chủ về phần này, họ sẽ đi thuê lại các nhà thầu, có thể là nước ngoài hoặc các nhà thầu phụ trong chuỗi của họ hoặc các nhà thầu phụ tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta sẽ rất bị động trong phát triển các thiết bị phụ trợ”, ông Phan Đăng Phong nói.
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho rằng, nguyên nhân lớn là doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đủ, chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho hay, trong lĩnh vực gia công chế tạo máy, tỷ trọng doanh nghiệp FDI đang tham gia hoạt động sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong đó các doanh nghiệp Việt đa phần là sản xuất linh, phụ kiện chi tiết để cung cấp ngược lại cho các doanh nghiệp FDI, bên cạnh đó là sản lượng dành cho xuất khẩu.
Đây là 2 phần chính, còn những doanh nghiệp Việt để có được tên tuổi, thương hiệu mà đưa ra một sản phẩm của doanh nghiệp Việt thì hiện nay là rất hạn chế.
Doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn thành phố Hà Nội đa số là phát triển cho ngành phụ trợ, cung cấp phụ tùng cho các ngành như: điện tử, máy in, máy giặt giống cho các hãng Canon, Samsung hoặc LG… hoặc phụ tùng cho các ngành ô tô, xe máy như: Honda, Yamaha là chính.
“Các phần sản xuất, gia công, chế tạo thì đa số tại Hà Nội hiện nay chúng tôi khảo sát thì cũng không có nhiều và một số công ty thì có sản xuất các linh, phụ kiện của mình để xuất khẩu đi nước ngoài”, ông Nguyễn Đức Cường nói.
Ngành cơ khí vẫn thiếu “sếu đầu đàn” nên chưa thể lớn mạnh.
Theo đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, phát triển công nghiệp cơ khí hiện có nhiều thuận lợi, đặc biệt là về chính sách ưu đãi và sự có mặt của các tập đoàn lớn đa quốc gia tại Việt Nam. Tuy vậy, ngành cơ khí vẫn thiếu “sếu đầu đàn” nên chưa thể lớn mạnh.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Cao Văn Hùng, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho rằng, để doanh nghiệp phát triển, theo ông Hùng, cần cơ chế hỗ trợ về vốn. Đối với doanh nghiệp đang muốn trở thành những con “sếu đầu đàn”, cần nguồn lực rất lớn về mở rộng quy mô hiện tại cũng như mở rộng thị trường. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào R&D nghiên cứu, chứ không thể dừng lại ở vấn đề đi gia công cho đối tác nước ngoài.
Cho rằng doanh nghiệp Việt đang được hưởng lợi rất nhiều từ các làn sóng chuyển dịch, ông Hùng cho rằng không chủ động chớp lấy cơ hội, chắc chắn cơ hội sẽ vụt đi, và rất khó để có lại những cơ hội như vậy.
Các doanh nghiệp cần có những thương hiệu riêng, cần phải có những dòng sản phẩm và thế mạnh riêng để tạo sức bật và tạo ra những doanh nghiệp lớn để kéo những doanh nghiệp nhỏ hơn đi theo. Thì đây cũng cần sự chung tay của các Bộ, ban ngành và Chính phủ để hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp thực sự muốn triển khai những hoạt động như vậy.
“Để các doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục khá nhiều. Tôi cũng mong các chính sách cho doanh nghiệp hiện nay sẽ được đơn giản hoá, hoặc có cơ chế để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn”, ông Hùng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho rằng, để cạnh tranh được, doanh nghiệp cần thêm các cơ chế khuyến khích. Trong đó ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa cho các dự án kinh tế, đầu tư trong nước.
“Muốn vực dậy ngành cơ khí trong nước, điều đầu tiên phải có thị trường. Nhưng để có được thị trường, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế riêng cho ngành. Đơn cử như ưu tiên hàng trong nước bằng việc sản phẩm nào đã sản xuất được và sản xuất tốt, thì hạn chế nhập khẩu và có thể sử dụng cho các dự án”, ông Kết nhấn mạnh.
Trong khi đó, để nắm bắt được cơ hội mới từ thị trường, ông Vương Phúc Hà, đại diện Công ty CP Tập đoàn kỹ thuật công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho rằng, doanh nghiệp đang tập trung cải tiến quy trình sản xuất từ khâu nhập nguyên liệu đến gia công, lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm, với khoảng 90% sản phẩm được kiểm tra trước khi giao cho khách hàng.
Thy Hằng