Đâu là lối thoát cho ngành cơ khí Việt Nam?
Ngành cơ khí Việt Nam đang ghi nhận những bước tiến đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xe máy. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng lớn, ngành vẫn đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế về công nghệ, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ và năng lực nội địa hóa còn thấp.
Từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3
Thách thức trong phát triển ngành cơ khí
Phát biểu tại Tọa đàm “Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí” diễn ra ngày 9/12/2024, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, ngành cơ khí Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến lớn cả về quy mô và chất lượng. Những thành tựu này là kết quả của sự phối hợp giữa các chiến lược phát triển đồng bộ của Nhà nước và doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong nước trong việc thiết kế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xe máy, ngành cơ khí đã ghi nhận những bước tiến vượt bậc. Nếu trước đây, các dây chuyền lắp ráp chủ yếu do các hãng nước ngoài như Honda, Toyota, Hyundai chi phối, thì nay, Việt Nam đã tự chủ trong việc thiết kế và vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại. Điển hình là sự thành công của VinFast với các dòng xe VF3, VF7, VF8, chứng minh năng lực ngày càng cao của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Cao Văn Hùng – Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam chỉ ra rằng doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề lớn nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực để đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Đặc thù của ngành cơ khí chính xác yêu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ cao để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với những đơn hàng lớn, họ thường không có đủ máy móc chuyên dụng. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại, khiến doanh nghiệp Việt gặp bất lợi trên thị trường quốc tế.
Thêm vào đó, năng lực sản xuất và xuất khẩu thiết bị cơ khí của Việt Nam còn hạn chế. Đối với các dự án lớn như nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng hoặc năng lượng tái tạo, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt dưới 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các doanh nghiệp đầu tàu sở hữu công nghệ cốt lõi và năng lực thực hiện trọn gói các dự án lớn. Điều này khiến Việt Nam phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, làm giảm cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Cần sự đầu tư chiến lược từ doanh nghiệp và Nhà nước
Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nhấn mạnh rằng để phát triển bền vững, ngành cơ khí cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, máy móc và hệ thống quy trình. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống quy trình hoàn chỉnh có thể mất từ 2-5 năm, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn lớn, bao gồm vốn đầu tư đất đai, nhà xưởng và máy móc thiết bị.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để xây dựng thương hiệu riêng, thay vì chỉ làm gia công cho đối tác nước ngoài. Những doanh nghiệp muốn trở thành “sếu đầu đàn” cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và các bộ ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp.
TS. Phan Đăng Phong đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ cơ chế, chính sách của thị trường mục tiêu, đặc biệt là những chính sách đã được ký kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này giúp doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi, giảm rủi ro khi tiếp cận thị trường mới.
Bộ Công Thương, thông qua Cục Xúc tiến thương mại, thường tổ chức các chương trình xúc tiến tại các thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp cần chủ động liên hệ để tham gia, đưa các catalogue sản phẩm và quảng bá thương hiệu của mình. Ngoài ra, việc học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã thành công ở thị trường quốc tế cũng rất cần thiết.
Doanh nghiệp cần đầu tư vào nguồn nhân lực, trang thiết bị và công nghệ. Việc sở hữu công nghệ riêng không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất cũng là yếu tố quan trọng để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Để phát triển bền vững và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp cần có sự đầu tư chiến lược vào công nghệ, nguồn lực và thị trường. Cùng với đó, sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo động lực giúp ngành cơ khí Việt Nam đạt được những bước tiến mới trong tương lai.
Hồng Hạnh