Cổ phiếu ngành điện ‘sáng’ trở lại
Thông tin về “cú bắt tay” của Tập đoàn Vingroup và “gã khổng lồ” PV Power đã mang “ánh sáng” tới nhóm cổ phiếu ngành điện sau khoảng thời gian “cúp điện”. Cùng với những “chất xúc tác” tích cực, các doanh nghiệp điện lực được đánh giá sẽ duy trì được sự tăng trưởng ổn định, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư.
Đi ngược với triển vọng lạc quan khi dự báo nhu cầu điện tiếp tục tăng lên, nhóm cổ phiếu điện có xu hướng bị “chững” lại khi ghi nhận diễn biến giảm giá ở hầu hết các mã trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, trong 2 phiên gần nhất, nhóm cổ phiếu này có dấu hiệu “nóng” trở lại.
“Gã khổng lồ thức giấc”
Phiên 25/11, cổ phiếu nhóm ngành điện đã bắt đầu gây chú ý trở lại. Đáng chú ý, sau khi tiệm cận mức giá trần ở phiên sáng, cổ phiếu POW của PV Power đã nhanh chóng khoe sắc tím ngay khi bước vào phiên chiều. Đóng cửa, POW tăng 6,6% lên mức giá trần 12.150 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đột biến dẫn đầu thị trường với hơn 18,61 triệu đơn vị, gấp tới hơn 4 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên trước đó và đạt mức cao nhất trong hơn 4 tháng. Đồng thời, cổ phiếu POW dư mua trần tới gần 3,5 triệu đơn vị; được khối ngoại mua ròng tới hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài POW, “cặp đôi” TV2 và KHP cũng trong trạng thái dư mua trần; PC1 tăng 2,7%, NT2 tăng 2,4%, GEG tăng 1,9%, PGV tăng 1,6%, PPC tăng gần 1,5%..
Trong 2 phiên gần nhất, nhóm cổ phiếu điện có dấu hiệu “sáng” trở lại.
Nhóm cổ phiếu ngành điện khởi sắc trở lại sau thông tin về “cú bắt tay” của Tập đoàn Vingroup và PV Power để cùng nhau hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và triển khai rộng rãi hệ thống điện mặt trời áp mái.
Theo đó, Vingroup sẽ tạo điều kiện để PV Power nghiên cứu, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại các nhà xưởng, văn phòng, cơ sở hạ tầng do Vingroup và các công ty thành viên quản lý, cũng như tại các khu đô thị trên toàn quốc.
Trong khi đó, với thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng, PV Power sẽ nghiên cứu giải pháp cung cấp điện xanh và giải pháp tiết kiệm năng lượng cho Vingroup, xây dựng phương án bán và cung cấp điện cho Vingroup cùng các đơn vị thành viên với mức giá cạnh tranh.
Trước đó, PV Power đã ký thoả thuận hợp tác với EN Technologies Inc. (Hàn Quốc) trong việc phát triển các trạm sạc xe điện. EN Technologies Inc. được thành lập vào năm 2003 với sự góp vốn của Samsung SDI và LG Electronics, chuyên nghiên cứu và sản xuất các thiết bị điện. Công ty là doanh nghiệp thứ ba có thể sản xuất và cung cấp nguồn điện plasma bên cạnh những doanh nghiệp Mỹ và Đức. Gần đây, EN Technologies Inc. mở rộng hoạt động kinh doanh sang bộ sạc ESS và pin xe điện.
Một “chất xúc tác” nữa được cho là tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu điện nói chung, cổ phiếu POW nói riêng là thông tin liên quan tới Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Đó là, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và PV Power vừa tổ chức Lễ ký hợp đồng cung cấp LNG phục vụ việc chạy thử Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Theo kế hoạch, Nhơn Trạch 3 sẽ bắt đầu chạy thử từ cuối tháng 12/2024, và chính thức vận hành thương mại vào tháng 6/2025; trong khi Nhơn Trạch 4 dự kiến sẽ vận hành thương mại vào tháng 9/2025.
Chứng khoán BVSC cho rằng PV Power sẽ hoàn thành công tác vận hành thương mại 2 nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 đúng tiến độ như kế hoạch hiện tại. Trong tương lai trung và dài hạn, dự án dự kiến sẽ đóng góp tích cực và là nguồn động lực chính cho kết quả kinh doanh chung toàn công ty.
Cổ phiếu tiềm năng
Theo VPBankS, cuối năm 2024, ngành điện Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. Nhu cầu điện dự kiến tăng 10-11% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu để phục vụ sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã điều chỉnh kế hoạch tổng nhu cầu điện trong năm 2024, nâng lên 310,6 tỷ kWh, tăng 10,68% so với năm 2023.
Các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tăng công suất điện của cả nước. Đến cuối năm 2024, khoảng 3.500 MW từ các dự án năng lượng tái tạo sẽ được bổ sung vào hệ thống, giúp nâng cao năng lực sản xuất và giảm phụ thuộc vào nguồn điện hóa thạch. Đặc biệt, dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 sẽ đi vào vận hành từ cuối năm, tạo động lực phát triển cho ngành, lần đầu tiên đưa vào vận hành một nhà máy điện khí LNG.
Bên cạnh đó, chính sách hoàn thiện cơ chế giá điện cho các dự án điện khí nhập khẩu LNG và điện năng lượng tái tạo sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển. Việc đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện cũng sẽ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu điện tại các khu vực miền Bắc trong mùa khô và nắng nóng.
Chứng khoán MBS dự báo nhu cầu điện năm 2024 có thể tăng 9,8% so với cùng kỳ, tương đương kịch bản cao trong Quy hoạch điện VIII và cũng cao hơn kế hoạch đầu năm của Bộ Công Thương là 9%, được hỗ trợ bởi sản lượng điện tăng trưởng cao hơn dự kiến trong các tháng đầu năm, đạt trung bình 13%.
Trong giai đoạn 2025-2030, nhu cầu điện có thể sẽ tăng trưởng 9,3%, với động lực chính từ tăng trưởng sản xuất công nghiệp phục hồi và nhu cầu ngày càng tăng của nhóm tiêu dùng dân cư.
Nhìn dài hạn hơn, nhu cầu phát triển hệ thống truyền tải điện rất lớn, trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỷ trọng công suất cao của năng lượng tái tạo cùng với nhu cầu tăng cường cung ứng điện từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, xây dựng các nguồn điện được coi là một trong những điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, nhóm ngành này còn được hỗ trợ từ chính sách. Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tập trung nguồn lực phát triển điện gió và điện khí từ nay đến 2030, đồng thời nghiên cứu phát triển các nguồn điện khác như thủy điện tích năng, điện sinh khối. Đặc biệt, đến 2025, nhiều đề án, dự án về chính sách cho ngành điện được ưu tiên xây dựng và hoàn thiện, trong đó một số chính sách cần đẩy nhanh để làm cơ sở triển khai các dự án nguồn điện bao gồm: khung giá các loại hình nguồn điện (năng lượng tái tạo, LNG, điện gió ngoài khơi), cơ chế mua bán điện trực tiếp…
Hiện tại, hầu hết các chính sách nêu trên đều đang trong quá trình hoàn thiện. Theo đó, năm 2024-2025 sẽ là giai đoạn bản lề trong việc ban hành những chính sách then chốt khi chỉ còn 6,5 năm để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch điện VIII.
Dù vậy, các chuyên gia cũng đưa ra lưu ý khi nhóm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung và giá nhiên liệu. Tuy nhiên, với những “chất xúc tác” tích cực, các doanh nghiệp điện lực vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư.
Trong đó, PV Power được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ dự án LNG; Tập đoàn PC1 (PC1) hưởng lợi từ các dự án xây lắp điện; Cơ điện lạnh (REE) phát triển mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) với lợi nhuận cổ tức hấp dẫn.