Điện hạt nhân và ‘bài toán’ thu hút FDI

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và áp lực giảm phát thải carbon ngày càng lớn, Việt Nam đang hướng tới điện hạt nhân như một giải pháp chiến lược, không chỉ để đảm bảo an ninh năng lượng mà còn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được xem xét ngay tại buổi làm việc đầu tiên của Hội nghị Trung ương sáng ngày 25/11.

Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu điện hạt nhân của các nước, để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng đây là chủ trương phù hợp và rất cần thiết, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thu hút FDI và nâng cao vị thế quốc gia.

Nền tảng cho tăng trưởng bền vững

Điện hạt nhân là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và thu hút FDI vào Việt Nam.

Trong bài viết xuất bản trên Nikkei vào tháng 10 vừa qua, Tim Daiss, nhà báo và nhà phân tích về thị trường năng lượng, tính bền vững và địa chính trị ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhận định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài do mức lương thấp hơn, chính sách đầu tư thuận lợi và một loạt các hiệp định thương mại tự do đa phương. Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện các “vết nứt” trong quá trình phát triển FDI của Việt Nam do không có đủ nguồn điện hoặc lưới điện cần thiết. Vấn đề đã đạt đến đỉnh điểm vào mùa hè năm 2023, khi tình trạng mất điện khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nhà sản xuất và công ty hậu cần phải dừng hoạt động.

“Thiệt hại về uy tín đã xảy ra, khi một số nhà phân tích cho rằng tình trạng mất điện kéo dài ở Việt Nam hiện đang gây rủi ro cho sự tăng trưởng FDI trong tương lai”, Tim Daiss viết.

Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp FDI, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) đề cập đến sự cố cắt điện ở miền Bắc năm ngoái khiến nhiều doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch sản xuất. Thậm chí, một số đơn vị thành viên JCCI đang cân nhắc xem xét lại hệ thống sản xuất toàn cầu của họ.

Còn ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) tại Việt Nam cho biết, không đủ điện là yếu tố lớn khiến nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt công ty công nghệ cao, chần chừ khi rót vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hàng chục năm qua, nền kinh tế của chúng ta hướng đến xuất khẩu, mở cửa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tới xây dựng nhà máy, sản xuất, gia công các sản phẩm tại Việt Nam rồi xuất đi nước ngoài. Điều này đã tạo nên thành tích tăng trưởng GDP cho toàn nền kinh tế, tuy nhiên, đi cùng với nó, giá điện cạnh tranh trở thành một yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư.

Tại khu vực sản xuất nội địa, doanh nghiệp Việt đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiên về gia công, không có nguồn lực để đổi mới máy móc, thiết bị nên sử dụng các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Chính sách giá năng lượng thấp được duy trì, vừa để tăng lợi thế thu hút FDI, vừa để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa bởi nếu tăng giá, sức cạnh tranh của họ sẽ giảm thiểu, dẫn đến khó tồn tại trên thị trường.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chính vì được hưởng giá điện thấp, doanh nghiệp không quan tâm lộ trình đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng không tiết kiệm, hiệu quả.

“Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam mỗi năm tăng xấp xỉ 10%, các nguồn khai thác ngày càng cạn kiệt, nếu không tiết kiệm, chúng ta không thể sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu”, PGS.TS. Trần Văn Bình lo ngại.

Với những ưu điểm về giảm phát thải và cung cấp năng lượng ổn định, điện hạt nhân có thể được coi là một phần trong giải pháp năng lượng bền vững. “Điện hạt nhân có thể cung cấp nguồn điện ổn định và tiết kiệm chi phí hơn, giúp cải thiện an ninh năng lượng dài hạn bằng cách giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước biến động giá nhiên liệu toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng”, theo tiến sĩ Richard Ramsawak, giảng viên tại Đại học RMIT.

Bên cạnh đó, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ như cơ khí chế tạo, xây dựng, công nghệ thông tin… Do đó, việc Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân có thể tạo động lực phát triển cho các ngành này.

Thách thức phía trước

“Đã tới lúc Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân để đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội”, đó là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 8.

Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Trong đó, chi phí đầu tư ban đầu cực lớn với thời gian thi công dài là vấn đề đặt ra khi đưa điện hạt nhân vào cơ cấu điện.

TS Phạm Tuấn Hiệp, chuyên viên Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) phân tích, nếu chọn tổ máy cỡ lớn công suất 1.600 MW của Pháp với tiêu chuẩn an toàn tối ưu nhất, chi phí xây dựng có thể lên đến 10 tỷ USD (tương đương gần 3% GDP năm 2023 của Việt Nam), tổng thời gian thi công trên dưới 90 tháng. Với chi phí đầu tư ban đầu khổng lồ ấy, việc cân đối ngân sách công cùng với điều chỉnh giá điện trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và sau khi đưa điện hạt nhân hòa lưới điện là một bài toán kinh tế nhiều biến số.

Chưa kể, còn rất nhiều các điều kiện cần và đủ khác phải được xem xét kỹ lưỡng như lựa chọn địa điểm, đối tác thực hiện, nhân lực… vì đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân là ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi công nghệ tiên tiến, quản lý chặt chẽ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng tiềm năng phát triển, cũng như thu hút FDI từ ngành điện hạt nhân là rất lớn. Các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới như Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom), EDF của Pháp hay Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Kepco) đều bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Đỗ Kiều-Link gốc