Ngành thép được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng 11% trong năm 2025

Nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ từ các khoản đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, ngành thép Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với mức bình quân 14% trong năm 2024 và tiếp tục đạt 11% trong năm 2025.

Cụ thể, nhận định về thị trường thép trong 10 tháng của năm 2024 và triển vọng cho năm 2025, bà Võ Thị Ngọc Hân – Giám đốc Nghiên cứu cao cấp ngành công nghiệp và công nghệ, Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) chỉ ra rằng, trong bức tranh toàn cảnh ngành thép thế giới, có thể thấy có cả những gam màu sáng và tối với dấu hiệu hồi phục từ vùng đáy.

Đối với ngành thép Việt Nam, đây là một trong những điểm sáng nổi bật trên “bản đồ” thép toàn cầu. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp thành viên trong 10 tháng của năm 2024 đạt 26 triệu tấn, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trưởng này đặc biệt ấn tượng khi so sánh với dự báo toàn cầu, vốn đang giảm 1%. Kết quả này chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh, đạt 17 triệu tấn trong 10 tháng, tăng 18% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng nội địa không chỉ thúc đẩy doanh số mà còn giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận, nhờ tỷ suất lợi nhuận thường cao hơn so với xuất khẩu.

Hơn nữa, sự hồi phục nhu cầu thép nội địa còn được dẫn dắt bởi thép xây dựng, với sản lượng đạt 10 triệu tấn trong 10 tháng, tăng 8,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Điều này phần lớn nhờ vào giải ngân mạnh mẽ của các dự án đầu tư công, đặc biệt là những dự án trọng điểm như Sân bay Quốc tế Long Thành và sự tái khởi động một số dự án bất động sản sau khi được cấp giấy phép xây dựng.

Chuyên gia từ HSC cũng cho rằng, việc bảo hộ từ phía các cơ quan quản lý cũng sẽ tạo điều kiện để thị trường nội địa trở thành bệ đỡ vững chắc cho ngành thép Việt Nam.

Về nhập khẩu, Việt Nam đã nhập 12,3 triệu tấn thép các loại trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 32% so với cùng kỳ, trong đó Trung Quốc chiếm gần 70% tổng lượng nhập khẩu. Dữ liệu thực tế còn cao hơn do sự gia tăng mạnh mẽ xuất khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu các loại thép chất lượng cao từ Nhật Bản, Đài Loan, và Hàn Quốc.

Xuất khẩu thép của Việt Nam cũng đạt kết quả khả quan, gần 10 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm, tăng 21% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính bao gồm Đông Nam Á (25,2%), châu Âu (14%), và Mỹ (12%). Tuy nhiên, với sự gia tăng xuất khẩu từ Trung Quốc và các cuộc điều tra chống bán phá giá, ngành thép Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức lớn.

Hiện tại, Việt Nam đã khởi xướng 2 vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ và thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng quyết định gia hạn thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ màu từ Trung Quốc và Hàn Quốc thêm 5 năm. Đây là một bước đi quan trọng nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nội địa trước áp lực cạnh tranh từ bên ngoài.

Về thị trường xuất khẩu, các vụ điều tra tại châu Âu, Mỹ và Ấn Độ đang tạo ra thách thức, nhưng nhờ chiến lược đa dạng hóa thị trường, các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn giữ được khả năng duy trì tăng trưởng.

Nhìn về tương lai, chuyên gia từ HSC lạc quan tin vào triển vọng ngành thép Việt Nam nhờ vào đầu tư lớn của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng, cùng với sự kỳ vọng hồi phục của thị trường bất động sản khi các vấn đề pháp lý được tháo gỡ.

Dự báo, tiêu thụ thép tại Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 14% trong năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng 11% trong năm 2025. Đây chính là những tín hiệu tích cực, khẳng định vai trò và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới./.

Thu Hương-Link gốc