Giá điện vẽ lại ‘đường cong’ hài hòa lợi ích
EVN tiếp tục lỗ lớn bất chấp giá điện đi theo lộ trình “tính đúng, tính đủ” nhằm cắt lỗ, thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển bền vững.
Giá điện tăng thêm 4,8% từ mức hiện hành, áp dụng một ngày sau khi Bộ Công thương công bố khoản lỗ từ sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tọa đàm “Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp” được thực hiện cùng ngày 10/10.
Một loạt động thái liên quan đến giá điện, không khỏi khiến những người dùng điện tin rằng, ngành điện đang một mặt tìm kiếm sự đồng thuận về “lộ trình tính đúng, tính đủ cho giá điện”, nhưng mặt khác là giảm bớt sự tập trung của dư luận vào khoản lỗ năm 2023 lên tới 34.245 tỷ đồng của EVN.
EVN trong vai trò “nạn nhân” của mua cao, bán thấp
So với năm 2022, năm 2023, giá thành sản xuất điện tăng 2,79%, tiến sát mức 2.089 đồng/kWh, dẫn đến tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng 35.339 tỷ đồng, theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của EVN được Bộ Công Thương công bố sáng ngày 10/10.
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho rằng giá thành sản xuất điện năm 2023 tuân thủ các nguyên tắc, quy định hiện hành.
Năm ngoái, nhu cầu điện tăng cao, xấp xỉ 10 – 11% so với năm 2022. “Cấu trúc giá thành tăng cao, dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao”, ông Hữu cho biết.
Các nguồn điện giá rẻ như thủy điện, giảm mạnh, còn các nguồn giá đắt như điện than và dầu đều tăng cao, khiến “cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi”, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực giải thích thêm.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Cấu trúc giá thành tăng cao, dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao. Ảnh: Hoàng Anh
Giá bán không bù đắp được chi phí, gây ra nhiều hệ lụy, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa phân tích từ số liệu kiểm tra liên ngành được Bộ Công thương công bố hôm 10/10.
Ông Thỏa – người duy trì quan điểm EVN đang “mua cao, bán thấp” – cho rằng, từ giá thành sản xuất điện 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh thì “giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân 6,92%”.
Từ tính toán trên, ông Thỏa khẳng định rằng “đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra lại không tính đủ các chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh điện”. Ông tin rằng số liệu kiểm tra là “khách quan, minh bạch”.
Cũng từ dữ liệu của đoàn kiểm tra và Bộ Công thương, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho rằng “chi phí gần như không tạo được động lực để đầu tư”.
“Chi phí cho sản xuất điện đóng một tỷ trọng rất lớn”, ông Sơn xem xét từ dữ liệu của đoàn kiểm tra. Trong cấu thành các nguồn điện có hơn một nửa là từ nhiệt điện như điện than và điện khí, khoảng 1/3 cơ cấu là từ thuỷ điện và phần còn lại (hơn 20%) là từ các nguồn tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Theo ông Sơn, giá chi trả cho truyền tải điện quá thấp do không được tính thêm chi phí liên quan đến điều hành hệ thống, như điều độ hay phục trợ.
Ngoài thủy điện, ông Sơn cho rằng cơ cấu sản xuất các nguồn điện khác, chi phí sản xuất đều phản ánh giá thành quốc tế.
Điện than là một ví dụ, phần nguyên liệu trong nước không nhiều, chủ yếu phục vụ các nhà máy của TKV, còn lại các nhà máy khác dùng than nhập khẩu, giá theo thị trường quốc tế.
“Chúng ta đang đặt cho EVN nhiều gánh nặng”, ông Sơn nói! EVN phải gánh ba, bốn nhiệm vụ trong đó hơn một nửa về an sinh xã hội. Trách nhiệm lớn nhất của EVN là sản xuất và cung ứng điện với giá hợp lý, thu hút đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện.
Ông Sơn lo ngại, nếu tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá và bù lỗ, EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư nguồn điện, cũng như các dự án lớn như đường dây 500KV mạch 3.
Thậm chí, duy trì giá điện hiện nay, sẽ khó khăn cho phát triển nguồn điện trung và dài hạn.
Giá điện – phải tách bạch các nhóm chính sách, thúc đẩy cạnh tranh
Chính phủ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có yêu cầu bảo đảm cân đối lớn về điện năng, “không để thiếu điện trong mọi tình huống”.
Thực tế hiện nay cho thấy một vấn đề, nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì “thiệt hại dồn lên nhà phân phối”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét.
Theo ông Hiếu, mức chênh lệch càng lớn, khoản lỗ càng lớn, khiến việc tiết giảm chi phí của EVN, theo báo cáo của Bộ Công thương và EVN, không nhiều ý nghĩa, thậm chí việc tiết kiệm chi phí này có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện.
Tính giá bán điện có vấn đề vì chúng ta dùng giá điện để hài hòa lợi ích tất cả các bên, gồm người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất điện và đặt mục tiêu nhiều hơn cho người tiêu dùng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Trường hợp EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào, khiến cho các nhà sản xuất điện thiếu đi động lực, sẽ tác động đến đầu tư cho ngành điện.
Một khi giá bán điện không hợp lý, cũng không khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, chuyển đổi sang năng lượng tiết kiệm và năng lượng khác.
Ông Phan Đức Hiếu, người từng là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), cho rằng với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách, thúc đẩy cạnh tranh.
“Giữa ba bên: nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, phải phối hợp các nhóm chính sách thay vì thông qua việc xác định giá điện để hài hòa hóa lợi ích các bên”, ông Hiếu nói.
Với đơn vị phân phối cũng tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy “cạnh tranh trong phân phối điện” như thúc đẩy cắt giảm chi phí ở mức hợp lý có giá bán điện phù hợp để đảm bảo cho các bên phân phối điện.
Tương tự, nhóm chính sách đối với người tiêu dùng, phải phối hợp chính sách theo nguyên tắc “giá bán điện trung bình ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá mua vào” thông qua người phân phối. Đồng thời, “phân chia giá điện với những mức khác nhau” giữa các nhóm người dùng khác nhau.
Ngoài ra, việc thúc đẩy sản xuất xanh, cần có nhóm chính sách thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện, có thể thông qua các chính sách về thuế, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế tuần hoàn, chỉ với “biểu thang giá điện hợp lý” mới có thể thúc đẩy sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm.
– Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện bình quân 2.103 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
– Quyết định 05 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, quy định cụ thể các chi phí trên cùng với sản lượng điện thương phẩm và lợi nhuận định mức tạo nên giá điện bình quân.
Bùi Vân