Trung Quốc tham vọng thao túng giá kim loại?
Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch gia tăng ảnh hưởng trên thị trường kim loại toàn cầu. Điều này có liên quan gì đến đồng nhân dân tệ?
Trung Quốc muốn tăng quyền định giá kim loại toàn cầu (Ảnh SHFE)
Trung Quốc là cường quốc luyện kim của thế giới với khả năng làm chủ hầu như toàn bộ chuỗi cung ứng từ thăm dò, khai thác khoáng sản đến chế biến và định hình, điều tiết giá cả. Không chỉ vậy, đối với các sản phẩm mà nước này tiêu thụ mạnh – cũng tạo ra sức ép với thị trường cung ứng.
Sau khi mua quyền khai thác kim loại trên khắp thế giới trong hai thập kỷ qua để đảm bảo kim loại cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa và gần đây hơn là để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải carbon, Trung Quốc đang muốn có tiếng nói lớn hơn trong cách xác định giá của những kim loại đó.
Gần đây, Trung Quốc tìm mọi cách thu hút các công ty hàng đầu giao dịch trên sàn kim loại Thượng Hải. Nếu thành công, động thái này sẽ giúp đưa các hợp đồng của Thượng Hải trở thành chuẩn mực và đảo ngược hệ thống giá tham chiếu của kim loại công nghiệp đã có từ năm 1877 khi sàn giao dịch kim loại London (LME) bắt đầu hoạt động.
Sàn giao dịch Thượng Hải không bắt buộc các doanh nghiệp kết nối tham chiếu giá với LME ở London; tìm mọi cách chuyển hướng thị trường từ phương Tây sang Trung Quốc, qua đó tạo ảnh hưởng về việc định giá sảm phẩm kim loại.
Nền tảng của tham vọng này là khả năng giao hàng xuyên biên giới trong mọi thời điểm. Sàn giao dịch này đã thiết lập hơn 450 kho hàng khổng lồ bao gồm nhôm, đồng và nhiều kim loại khác bên ngoài Trung Quốc.
Nhưng, thách thức không hề nhỏ đối với Trung Quốc ngay cả khi nền kinh tế này đang tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung đồng, nhôm và kẽm toàn cầu và sản xuất một lượng lớn các kim loại này.
Sàn giao dịch kim loại lâu đời nhất tại London (Ảnh Bloomberg)
Cách duy nhất để tăng khối lượng giao dịch là có sự tham gia nhiều hơn từ quốc tế. LME là sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới. Trên sàn này khối lượng đồng, kim loại thiết yếu trong xây dựng, hệ thống điện và hàng điện, đã ổn định ở mức khoảng 60% hợp đồng tương lai đồng trên toàn cầu.
Nhiều nguồn tin cho rằng, nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng về các chính sách của chính quyền Trung Quốc – phần lớn được thiết kế để điều hướng thị trường hàng hóa.
Một phần ảnh hưởng đó sẽ đến từ việc nhiều người nước ngoài giao dịch kim loại trên nền tảng của Trung Quốc phải có tài khoản bằng đồng nhân dân tệ, điều này sẽ thúc đẩy mục tiêu của Bắc Kinh là đạt được sự chấp nhận rộng rãi hơn đối với đồng tiền của mình.
Vậy thị trường kim loại và chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có liên quan gì nhau? Thực ra, thị trường kim loại là phương tiện để đồng tiền Trung Quốc được chấp nhận sử dụng rộng rãi hơn trong tương lai. Bởi vì dầu mỏ gắn với đồng đô la Mỹ đang bị thúc ép kết thúc vai trò lịch sử của nó, nhường chỗ cho kỷ nguyên giảm phát thải và loại năng lượng này lại rất cần đến những khoáng sản như đồng, kẽm, chì, nikel, cobal, đất hiếm, lithium.
Đồng tiền Trung Quốc có thể dùng các loại khoáng sản chiến lược làm “bản vị”. Vài thập kỷ trước, ông Đặng Tiểu Bình đã nói “thế giới có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”. Đây là dự báo đáng chú ý.