Giá phân bón tác động trực tiếp đến thu nhập của người nông dân
“Chi phí đầu vào mỗi vụ mùa thường rất cao, trong đó phân bón chiếm khoảng từ 40-60%. Để giảm khoản chi ban đầu, người nông dân chấp nhận bỏ đi một số khâu sử dụng cơ giới, thay vào đó là dùng sức người lao động trực tiếp, lấy công làm lời mới đủ trang trải cho cuộc sống”, ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau cho biết.
Phân bón tác động trực tiếp đến thu nhập của nông dân
Tỉnh Cà Mau định hướng tái cơ cấu các ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng và phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực sát với lợi thế và nhu cầu thị trường, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao tính cạnh tranh; phát triển mô hình chuỗi giá trị liên kết các sản phẩm chủ lực, hình thành mô hình sản xuất xanh, sinh thái và bền vững; phát triển thêm các sản phẩm mới ngoài tôm, gạo, gỗ phù hợp với lợi thế của từng địa bàn, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Để thực hiện mô hình này, các hợp tác xã, người nông dân phải hướng đến sản xuất xanh, thân thiện môi trường. Bên cạnh sử dụng phân bón hữu cơ, cây trồng cần lượng lớn phân bón vô cơ, bón tại từng giai đoạn khác nhau để cây sinh trưởng và phát triển, nên hiện tại nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn.
Ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau
Theo ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp gồm trồng lúa, cây trồng, vật nuôi chiếm khoảng 30% trong diện tích sản xuất của tỉnh Cà Mau. Trong đó, tỷ trọng lớn là diện tích thủy sản. Trái cây ở đây có diện tích khiêm tốn, nông dân trồng chủ yếu để phục vụ nhu cầu tại chỗ, kể cả trong chăn nuôi.
Đối với sản xuất nông nghiệp, cụ thể là trồng lúa ở khu vực chuyên lúa của tỉnh Cà Mau, theo bà con nông dân, năm nay tuy sản xuất có lợi nhuận nhưng rất thấp so với mặt bằng chung một số ngành nghề khác, như nuôi tôm, nuôi thủy sản khác. Trong đó, vấn đề giá phân bón tác động lớn đến thu nhập của bà con khi trồng lúa. Do giá phân bón ở mức cao, tác động đến chi phí đầu tư ban đầu của bà con nông dân, khiến lợi nhuận giảm đi rõ rệt. Cụ thể, bình quân lợi nhuận trên 1 ha ở vùng trồng lúa của tỉnh Cà Mau khoảng 3.000.000-3.500.000 đồng.
Nông dân là lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển nông nghiệp địa phương. Dưới góc độ là người đại diện cho người nông dân của tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Hùng cho biết, Hội Nông dân tỉnh sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân sản xuất, sẽ có đề xuất với các tổ chức, công ty phân bón để có chính sách hỗ trợ bà con nông dân.
Bình quân lợi nhuận trên 1 ha ở vùng trồng lúa của tỉnh Cà Mau khoảng 3.000.000 – 3.500.000 đồng.
Ứng dụng sản phẩm mới – mô hình mới
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, xu hướng chung hiện nay là bà con sử dụng nhiều phân bón của Phân bón Cà Mau, Phân bón Bình Điền, cùng một số sản phẩm khác trong nước. Nông dân ở đây cũng có sử dụng phân bón nước ngoài nhưng chưa nhiều. Qua ghi nhận nhiều năm, giá cả phân bón luôn ở mức cao, để giúp bà con ổn định sản xuất, có nhiều chính sách hỗ trợ bà con bám ruộng bám vườn, trong quý II/2024, Hội Nông dân tỉnh Cà Mau đã làm việc với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau) và kiến nghị Công ty có chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân về giá phân bón và chính sách hỗ trợ kỹ thuật. Trên tinh thần hợp tác đó, Phân bón Cà Mau đã hỗ trợ 4 mô hình trình diễn có công thức cho bà con học tập.
Ông Huỳnh Quốc Hùng cùng lãnh đạo địa phương, nông dân tham quan mô hình trình diễn đồng lúa sử dụng NPK Cà Mau.
Bốn hộ nông dân tham gia trải nghiệm mô hình trình diễn sử dụng NPK Cà Mau trên đồng ruộng của mình đến từ các vùng khác nhau của tỉnh, bao gồm ông Phạm Long Giang (ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), ông Mạc Văn Huynh (ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), ông Nguyễn Đồng Khởi (ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) và ông Phạm Hữu Chí (ấp 8, xã Khánh Hội, huyện U Minh). Sau thời gian áp dụng các giải pháp canh tác do các kỹ sư của Phân bón Cà Mau tư vấn cùng việc sử dụng NPK Cà Mau, các hộ đều đạt được năng suất cao hơn so với các hộ lân cận và so với vụ thu hoạch các năm trước.
Đáng chú ý, theo báo cáo, hộ ông Phạm Long Giang đã đạt sản lượng 6,4 tấn/ha với giống lúa ST, thu về 167 triệu đồng trên diện tích 1,9 ha. Những hộ nông dân khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể về năng suất lúa, khẳng định hiệu quả của phân bón NPK Cà Mau trong điều kiện canh tác tại các vùng đất khác nhau thuộc tỉnh Cà Mau.
Cà Mau áp dụng mô hình chuỗi 3 trong 1 thông qua hình thức hợp tác xã. Thứ nhất là tổ hợp tác chi hội nghề nghiệp liên kết với hợp tác xã và hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp. Khi đó, hợp tác sẽ có trách nhiệm cung ứng giống, thuốc, phân bón có giá thành phù hợp giữa hai bên thỏa thuận để giúp cho bà con giảm chi phí sản xuất. Mối liên kết này tiếp tục hợp tác để phân phối sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. Ví dụ một mô hình thay đổi phương thức theo hướng dẫn của Phân bón Cà Mau thì năng suất cao hơn, theo đó lợi nhuận cũng tăng lên. Theo ông Hùng, qua tính toán sơ bộ, lợi nhuận của bà con tăng lên khoảng 40% nên rất được bà con địa phương quan tâm. “Thực sự dưới sự giúp đỡ của Phân bón Cà Mau, theo công thức và quy trình kỹ thuật Công ty đưa ra thì vụ mùa của bà con đã có hiệu quả cao hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trên cơ sở khảo sát, kết hợp các đánh giá theo cùng công thức, cùng loại phân bón, kết quả năng suất vượt trội so với bà con sử dụng các loại phân bón bình thường. Từ những hợp tác, tham gia mô hình mới của Phân bón Cà Mau, ông Hùng hy vọng bà con nông dân tỉnh Cà Mau sẽ có hướng sản xuất mới, năng suất cao hơn, từ đó thu nhập tăng lên, để bà con ổn định cuộc sống, tiếp tục gắn bó với ruộng, vườn quê hương.