Kết quả kinh doanh quý III: Ngành gỗ “sáng cửa”
Kết quả kinh doanh quý III/2024 của các doanh nghiệp ngành gỗ với 60% doanh nghiệp tăng lãi, đã phản ánh phần nào bức tranh kinh doanh sáng sủa của toàn ngành.
Doanh nghiệp tăng lãi chiếm 60%
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 15 doanh nghiệp ngành gỗ niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán công bố Báo cáo tài chính quý III/2023. Trong đó, số doanh nghiệp tăng lãi chiếm 60%, với 9 doanh nghiệp; Số doanh nghiệp giảm lãi chỉ 02 doanh nghiệp và số doanh nghiệp báo lỗ cũng chỉ có 02 doanh nghiệp, tương ứng với 13,33%, và 02 doanh nghiệp báo có lãi trở lại.
Ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim – Ảnh minh họa.
Trong nhóm các doanh nghiệp tăng lãi, tăng mạnh nhất là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long (HoSE: TLD), với mức tăng lên đến gần 700%. Cụ thể, trong quý III/2024, TLD mang về hơn 146 tỷ đồng doanh thu, tăng 347% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 4,4 tỷ đồng, tăng mạnh gần 700% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cho biết, nguyên nhân lợi nhuận quý III tăng mạnh so với cùng kỳ là do công ty đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đã đưa ra chính sách bán hàng phù hợp với tình hình thị trường. Do đó, doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với năm trước.
Sau 9 tháng, doanh nghiệp mang về hơn 424 tỷ đồng, tăng hơn 115% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 14,5 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 437% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, trong quý III, Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HoSE: SAV) mang về hơn 290 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 11 tỷ đồng, tăng mạnh 450% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh nghiệp cho biết, do trong kỳ, công ty đã thực hiện các cải tiến về quy trình sản xuất để tăng năng suất và giảm chi phí liên quan đến sản xuất dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 100% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty đã cố gắng kiểm soát các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SAV mang về hơn 759 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 51 tỷ đồng, tăng 325% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) cũng có quý kinh doanh khởi sắc, khi doanh thu tăng trưởng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2023, lên gần 92 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, lên gần 16 tỷ đồng.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, doanh thu và lợi nhuận sau thuế biến động chủ yếu là do: Doanh thu tăng do khách quay trở lại đặt hàng nhiều hơn trước và có nhiều doanh thu từ việc cho thuê nhà xưởng.
Lợi nhuận sau thuế tăng nhiều do công ty có nhiều cải tiến quy trình sản xuất, điều hành hiệu quả nên năng suất lao động tốt. Bên cạnh đó, công ty thực hiện dồn 3 nhà máy lại thành 1 nên cùng một lúc tiết kiệm được quỹ lương do tinh gọn nhân sự, tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiết kiệm chi phí quản lý…Ngoài ra, công ty còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng của 2 nhà máy đã dời đi.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của GDT đạt hơn 249 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 39 tỷ đồng, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Một doanh nghiệp ngành gỗ khác là Công ty CP Gỗ An Cường (HoSE: ACG), với doanh thu hợp nhất quý III/2024 đạt gần 1.044 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 130 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp mang về hơn 2.764 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế đạt gần 330 tỷ đồng, tăng hơn 32,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chính là do: thị trường xuất khẩu khởi sắc; tập trung vào các dòng sản phẩm có margin tốt; và cùng cố thu nhập tài chính. Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện điều chỉnh hồi tố làm tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT cùng kỳ năm ngoái liên quan đến các chi phí có hóa đơn không đủ điều kiện để được khấu trừ theo quy định về thuế.
Ở nhóm các doanh nghiệp lỗ, một cái tên không quá xa lạ với nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF), với doanh thu quý III sụt giảm 39% so với cùng kỳ, xuống hơn 236 tỷ đồng; Doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 24,4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TTF mang về hơn 935 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 29,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 49 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên gần 3.268 tỷ đồng (tính đến cuối quý III/2024).
Đang dần trở lại thời kỳ hoàng kim
Bức tranh kinh doanh sáng sủa của các doanh nghiệp ngành gỗ đã phản ánh phần nào tình hình chung của toàn ngành. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), trong giai đoạn 2010 – 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng 25% – 45%. Đến năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này đã bị suy giảm. Tuy nhiên, sang năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng đạt gần 1,4 tỷ USD, đây cũng là mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 7,84 tỷ USD, tăng 20,7%; gỗ nguyên liệu mang về hơn 3,53 tỷ USD, tăng 13,1%; các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 777 triệu USD, tăng 3,9%.
Hiện, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ… Đến nay, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó, 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Nhờ đẩy mạnh tăng trưởng về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn bắt đầu phục hồi, kỳ vọng cho ngành gỗ có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trong quý IV và cả năm 2024.
Năm 2024, toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản là 15,2 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Đến cuối tháng 9 đã hoàn thành gần 70% kế hoạch đề ra cho năm 2024.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bởi tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường; xung đột địa chính trị, tác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng, khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng. Điều này sẽ tác động tới đà tăng trưởng của ngành gỗ và có khả năng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ hoàn thành 90% đến 95% kế hoạch đề ra trong năm 2024.