Thuế GTGT cho ngành phân bón: Cần hài hòa lợi ích

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) phân bón cần thay đổi hài hòa sau nhiều bất cập kéo dài 10 năm qua, nhằm tạo sức sống mới cho ngành nông nghiệp.

Xem xét tổng thể bất cập

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, phân bón đóng góp trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Do đó, chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) phân bón rất cần thay đổi sau hàng loạt bất cập kéo dài 10 năm qua, nhằm tạo sức sống mới cho ngành nông nghiệp.

Việc áp dụng thuế GTGT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân sẽ tăng lên 5%. Ảnh: Huy Thịnh

Kể từ khi phân bón được miễn thuế GTGT đến nay, số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, tổng sản lượng nhập khẩu dao động 3,3 – 5,6 triệu tấn; kim ngạch 952 triệu đến 1,6 tỉ USD, trong khi tổng công suất sản xuất nội địa ngày càng thu hẹp từ 3,5 triệu tấn/năm (trước năm 2014) xuống còn 380.000 tấn/năm (từ năm 2015).

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón lậu, phân bón giả. Theo tính toán trung bình phân bón giả gây thiệt hại 200USD/ha thì mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại tới 2,6 tỉ USD, đặc biệt nguy hại khi nông sản Việt đang đặt mục tiêu hướng ra quốc tế.

Do đó, bài toán thuế GTGT phân bón trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi đây là một trong những yếu tố tác động lớn tới ngành sản xuất nội địa, góp phần tạo sức sống cho nền nông nghiệp nói chung.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: Hoàng Anh

Không thể cực đoan nghiêng về bảo vệ một thành phần kinh tế mà thiếu đi tính khoa học, cho nên vấn đề hài hòa lợi ích là quan trọng nhất. Nhất là khi phân bón chiếm tỷ trọng đặc biệt lớn trong canh tác, có tác động nhiều đến chuỗi giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Trao đổi về chính sách thuế GTGT phân bón, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, không vội bàn đến chuyện lỗ – lãi của doanh nghiệp, vấn đề cần tập trung là áp thuế 5% hay không áp thuế mang lại hiệu quả lớn hơn. Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh nội dung này nhưng chưa thể đi đến kết luận cuối vì thiếu các con số và sự suy xét trên tổng thể các khía cạnh.

Từ thực tế, vị chuyên gia này đưa ra 3 góc nhìn. Thứ nhất, về yếu tố khoa học, tự nhiên và môi trường, phần lớn phân bón hiện nay là phân hóa học, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, chiếm tỷ trọng lớn trong thành phẩm. Phân hóa học tác động đến sức khỏe của đất, nằm trong hệ sinh thái nông nghiệp, môi trường, xã hội và con người.

Thứ hai, về yếu tố kinh doanh, giá thành một sản phẩm được cộng với thuế GTGT tạo ra giá bán. Do đó, để bảo đảm hài hòa về mặt lợi ích, cần xét tới nguồn thu ngân sách Nhà nước, mức “chịu đau” của doanh nghiệp sản xuất và tác động ảnh hưởng tới người nông dân.

Thứ ba, về phát triển bền vững của thị trường, chế độ thuế cần minh bạch, công khai, bảo đảm các bên tham gia đều được hưởng lợi ích. Ba yếu tố này sẽ tác động đến nông nghiệp, nông dân và nhà sản xuất. Vì vậy, cần rà soát lại vai trò của phân bón trong quan hệ thuế suất tới sản xuất và thu nhập người nông dân cùng môi trường.

Thiệt – lợi

Nhìn về lịch sử, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho biết, thuế GTGT phân bón được quy định lần đầu tiên từ năm 1997 là thu thuế của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất là 5% sản phẩm bán ra và 5% cho nguyên liệu đầu vào, trang thiết bị sản xuất mặt hàng đó.

Chăm sóc nông nghiệp. Ảnh: Nguyên Dương

Đến năm 2015, nền kinh tế có sự thay đổi, để đẩy mạnh sản xuất và lưu thông phân phối, thúc đẩy nông nghiệp, thuế GTGT đối với phân bón được miễn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phân bón lại nhận thêm gánh nặng, bởi nguyên liệu đầu vào bị đánh thuế nhưng không được khấu trừ đầu ra nên cộng vào giá sản phẩm. Người thiệt hại cuối cùng chính là người nông dân phải mua phân bón giá cao. Hệ lụy nguy hiểm nhất của việc miễn thuế GTGT phân bón là doanh nghiệp sản xuất bị thu hẹp, hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam vì có điều kiện cạnh tranh thuận lợi hơn.

Do đó, ông Hoàng Trọng Thủy đặt ra 2 giả thiết: Nếu không áp thuế GTGT 5% đối với phân bón, doanh nghiệp sẽ phải “chịu đau”. Tình trạng nhập khẩu phân bón tiếp diễn chiếm lĩnh thị trường, ngành sản xuất trong nước èo uột. Hệ lụy kéo theo là thiếu việc làm, người lao động mất việc, suy giảm nguồn thu ngân sách, thiếu các sản phẩm phân bón nội địa chất lượng. Thực tế này đi ngược chủ trương thúc đẩy nông nghiệp.

Nếu áp thuế GTGT 5%, có ý kiến cho rằng nông dân sẽ thiệt. Nếu chỉ so sánh về giá bán thì đây chỉ là cách nhìn trực quan. Bởi, thuế GTGT thu từ người tiêu dùng cuối cùng, nên nông dân cũng cần tuân thủ sự bình đẳng của pháp luật.

Lợi ích khác nhìn thấy từ việc áp thuế GTGT 5% phân bón là giúp Nhà nước quản lý được tốt hơn ngành hàng này. Doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ, giảm bớt gánh nặng, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tái đầu tư sản xuất, bảo đảm lợi ích và nghĩa vụ với chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm sự công bằng của pháp luật.

Nông dân được hưởng lợi

Hướng tới bảo đảm lợi ích cho người nông dân, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, cần xem xét áp thuế suất mức 5%: Tuy trước mắt người nông dân có thể “chịu đau” một chút, nhưng bảo đảm được hài hòa lợi ích và tạo sức sống mạnh mẽ hơn cho ngành nông nghiệp thì nhìn về lâu dài nông dân không hề chịu thiệt.

Sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Huy Thịnh  

Giải quyết vấn đề, Nhà nước đóng vai trò phân bổ nguồn ngân sách thu từ 5% thuế GTGT phân bón, điều tiết lại cho nông dân qua hệ thống sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hỗ trợ người nông dân bằng các biện pháp tăng trưởng xanh, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ chất lượng cao. Điều này đặc biệt cần thiết khi Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2050 có 50% diện tích nông nghiệp bón phân hữu cơ.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người nông dân cần được thực hiện trong chống phát thải nhà kính, tín chỉ carbon, tạo tác động lan tỏa xã hội; tập huấn, đào tạo người nông dân để từ đồng tiền biến thành kiến thức cho các cơ sở nghiên cứu giống cây trồng hoặc chương trình cải tạo đất.

“Mức thuế GTGT 5% là cơ sở bảo đảm lâu dài cho phát triển nông nghiệp, nhưng bắt buộc phải điều tiết được nguồn thu ngân sách tới người nông dân, để chính sách có tác động thiết thực” – chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.

Thực tế, doanh nghiệp được tự do kinh doanh nên đa phần doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một lĩnh vực chịu thuế GTGT 5%. Do đó, sửa Luật Thuế GTGT cần đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%… Như vậy, mới thoả mãn yêu cầu của chính sách và tính chất liên hoàn của thuế GTGT. 

Phải giải thích áp thuế GTGT 5% là người dân hưởng lợi, chứ không phải giá phân bón sẽ tăng lên 5%. 10 năm qua đã cho thấy bức tranh toàn cảnh.

Chuyên gia cao cấp về thuế Nguyễn Văn Phụng – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn

Khắc Kiên-Link gốc