Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cân nhắc việc cấp phép khai thác khoáng sản nhóm 4

Để đảm bảo công tác quản lý, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia, góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, nhiều ý kiến cho rằng, cân nhắc việc cấp phép khai thác khoáng sản nhóm 4…

Theo đó, sau tiếp thu, chỉnh lý từ các ý kiến góp ý, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được chỉnh sửa theo hướng việc cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động khai thác để thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được chỉnh sửa theo hướng việc cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo hình thức đăng ký – Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, tại Điều 76 về khai thác khoáng sản nhóm 4, Dự thảo Luật quy định không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động khai thác, trừ trường hợp khai thác tận thu khoáng sản.

Về thủ tục đăng ký, tại Điều 77 của Dự thảo Luật quy định, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản nhóm 4 và gửi về UBND cấp tỉnh xác nhận bản đăng ký khai thác khoáng sản.

Và theo quy định tại Dự thảo, khoáng sản nhóm 4 bao gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền đường hoặc móng công trình; đất đá thải mỏ.

Để tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc cấp phép khai thác khoáng sản nhóm 4 – Ảnh minh họa: ITN

Trước những quy định đã nêu của cơ quan soạn thảo, góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo, không ít ý kiến cho rằng, cân nhắc việc cấp phép khai thác khoáng sản nhóm 4.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, không nên bỏ việc cấp phép bằng việc đăng ký khai thác khoáng sản nhóm 4. Bởi, việc cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu ý kiến bằng cách quy định “cấp phép thực hiện theo hình thức đăng ký” thực chất là vẫn giữ nguyên quy định về việc đăng ký và bỏ quy định về cấp phép.

Phân tích về mặt pháp lý, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, việc đăng ký và cấp phép là 2 thủ tục hoàn toàn khác nhau và giá trị cũng khác nhau. Cấp phép là một xác nhận của Nhà nước để xác nhận quyền, nghĩa vụ của một tổ chức, cá nhân nào đó được phép khai thác. Trong giấy phép đó sẽ bao gồm phạm vi khu vực được khai thác, thời gian khai thác, trữ lượng được khai thác. Các thông tin trong giấy phép khai thác khoáng sản là rất quan trọng để cơ quan tố tụng có thể đấu tranh với tội phạm được gọi là “cát tặc” hiện nay.

“Khoáng sản nhóm 4 chủ yếu là các vật liệu san lấp nền phục vụ cho các công trình giao thông và xây dựng. Chúng ta cũng biết là trong thực tiễn có một loại tội phạm được gọi là “cát tặc” và chúng ta đang phải đấu tranh hết sức cam go từ trước tới nay. Nếu theo phương án bỏ cấp phép, chúng tôi cho rằng, chúng ta sẽ giải quyết cơ bản được vấn đề cát tặc theo hướng là từ nay sẽ khai thác tự do mà không bị xử lý”, vị đại biểu này bày tỏ.

Từ đó đề nghị, điều chỉnh lại quy định theo hướng giữ nguyên việc cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm 4.

Đồng thời cho rằng, về cải cách thủ tục hành chính nếu quy định theo hướng nêu trên, cũng không phải trở ngại hay rắc rối gì mà có thể cản trở đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, việc này hoàn toàn có thể đáp ứng được cả yêu cầu quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có căn cứ rõ ràng để đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác các loại khoáng sản hiện nay.

Liên quan đến vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định chặt chẽ hơn, có chế tài quản lý sản lượng khai thác khoáng sản, không để xảy ra thất thu ngân sách khi quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Việc phân loại các nhóm khoáng sản phải trên cơ sở cả về công dụng, mục đích quản lý và về giá trị sử dụng, không chỉ phân ra các nhóm mà ngay trong từng nhóm cũng phải có phân loại cụ thể, nhất là các khoáng sản đa mục đích và khoáng sản có nhiều công năng sử dụng.

Được biết, cho ý kiến về việc xây dựng và hoàn thiện về Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Hồng Hà cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các bộ ngành hữu quan để bổ sung, hoàn thiện Dự án Luật. Đồng thời, chú ý tham khảo, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về cách thức quản lý tài nguyên, khoáng sản, theo nguyên tắc, “rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng”; không để “một việc, hai người”; không quy định cứng những vấn đề, nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ như bộ máy tổ chức, ngân sách…

“Luật cần có quy định về trình tự điều chỉnh quy hoạch về địa chất, khoáng sản theo hướng rút gọn do tiến bộ khoa học công nghệ giúp hiệu quả đầu tư tăng lên, bảo vệ môi trường và phù hợp xu thế thời đại hơn nhưng không làm thay đổi mục tiêu, quy mô, quá trình thực hiện quy hoạch”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Nguồn: https://fireant.vn/bai-viet/du-thao-luat-dia-chat-va-khoang-san-can-nhac-viec-cap-phep-khai-thac-khoang-san-nhom-4/27964515

https://diendandoanhnghiep.vn/du-thao-luat-dia-chat-va-khoang-san-can-nhac-viec-cap-phep-khai-thac-khoang-san-nhom-4-10141420.html