tin tức
Ngành than hoạt động bình thường trở lại sau bão số 3
Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), dự kiến trong ngày 12/9, Công ty Than Hà Lầm sẽ có điện để phục vụ sản xuất, khai thác hầm lò. Như vậy, đến ngày 12/9, tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn TKV trên địa bàn tỉnh […]
Giá quặng sắt lao dốc xuống dưới 90 USD/tấn
Ngày 9/9, giá quặng sắt giảm xuống dưới 90 USD/tấn lần đầu tiên kể từ năm 2022, khi các mặt hàng công nghiệp phải chịu áp lực liên tục từ nhu cầu yếu kém của Trung Quốc và lo ngại ngày càng tăng về tăng trưởng toàn cầu.
Cụ thể, quặng sắt giảm tới 2,3% xuống còn 89,60 USD/tấn tại Singapore ngày 9/9 và phục hồi ở mức 91,3 USD/tấn khi kết phiên. Nhôm hầu như không thay đổi sau khi ghi nhận mức giảm hàng ngày thứ tám vào ngày 6/9. Chỉ số LMEX của sáu kim loại hiện chỉ tăng 3% trong năm nay, so với mức 25% vào giữa tháng 5.
Trên thực tế, giá quặng sắt tương lai đã giảm hơn một phần ba trong năm nay do cuộc khủng hoảng thép chưa được giải quyết ở Trung Quốc, đe dọa nhu cầu đối với nguyên liệu thô.
Tuy nhiên, có những trở ngại lớn hơn, với kim loại cơ bản và dầu thô cũng giảm giá trong những tuần gần đây khi năm 2024 trở thành một năm đầy biến động trên toàn bộ phức hợp hàng hóa.
Jia Zheng, giám đốc giao dịch tại Shanghai Soochow Jiuying Investment Management Co., cho biết: “Các nhà đầu tư đang chuyển sự tập trung từ lạm phát của Hoa Kỳ sang nỗi lo tăng trưởng. Trung Quốc thiếu sự hỗ trợ kích thích đáng kể và thị trường đang bi quan”.
Tâm lý thận trọng hơn đối với kim loại đã được nhấn mạnh vào tuần trước khi Goldman Sachs Group Inc. cắt giảm khoảng 5.000 USD/tấn so với dự báo đồng tăng giá lâu nay— chủ yếu là do nhu cầu yếu của Trung Quốc.
Tập đoàn Citigroup cho biết sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu bị kìm hãm và gây áp lực lên giá kim loại.
Tiêu thụ thép tại Trung Quốc đã suy yếu do sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản trong nước, khi nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, China Baowu Steel Group Corp., cho biết ngành công nghiệp này có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn so với suy thoái năm 2008 và 2015.
Trong khi đó, xuất khẩu và tăng trưởng ở các lĩnh vực khác đang làm giảm bớt tác động, việc cắt giảm sản lượng thép đã khiến thị trường quặng sắt phải gánh chịu tình trạng dư thừa nguồn cung.
Theo Zhang Shaoda, nhà phân tích của China Futures Co., giá quặng sắt tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc dự kiến sẽ chạm mức 600 nhân dân tệ (84 đô la) một tấn. Mức giá này thấp hơn 10% so với mức giá mới nhất.
Các nhà phân tích kim loại của Citi cho biết cuộc bầu cử Mỹ căng thẳng — và nguy cơ căng thẳng thương mại tái diễn dưới thời chính quyền Donald Trump — đã tác động đến Trung Quốc bằng cách thúc đẩy Bắc Kinh trì hoãn phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn.
Lạm phát cơ bản của Trung Quốc vừa hạ nhiệt xuống mức yếu nhất trong hơn ba năm, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu yếu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động mua thép thường phục hồi sau những tháng mùa hè, điều này có thể mang lại sự giải tỏa tâm lý cho các nhà máy.
Nhà phân tích Kaan Peker của RBC Capital Markets cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng giá quặng sắt sẽ tìm thấy sự hỗ trợ từ giữa tháng 9 khi mùa xây dựng mùa thu của Trung Quốc tăng tốc và nhu cầu dự trữ theo mùa trước kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng”, ám chỉ kỳ nghỉ kéo dài một tuần tại Trung Quốc vào đầu tháng 10.
Nguồn: https://cafef.vn/gia-quang-sat-lao-doc-xuong-duoi-90-usd-tan-188240910103813922.chn
Doanh nghiệp ngành than Quảng Ninh ổn định sản xuất sau bão số 3
Sau những ngày gián đoạn phải tạm dừng sản xuất do bão số 3, các doanh nghiệp ngành than đã ổn định sản xuất trở lại.
Ổn định sản xuất
Sau những ngày gián đoạn phải tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của bão số 3 khiến hệ thống điện lưới bị mất diện rộng, đến nay, các mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) lần lượt được khôi phục cấp điện trở lại bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, 100% doanh nghiệp ngành than đã tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại (Ảnh Báo Quảng Ninh)
Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn TKV, bão số 3 đã làm hầu hết nhà xưởng kết cấu mái tôn, mái kính, nhà cấp 4 của các đơn vị TKV bị tốc mái.
Qua kiểm tra, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị sản xuất than khẩn trương huy động nhân lực, máy móc khắc phục hậu quả bão số 3, tiếp tục phòng chống sạt lở đất tại những vị trí xung yếu như tầng khai thác than lộ thiên và bãi thải mỏ, sẵn sàng sản xuất khi có điện lưới trở lại.
Công ty Kho vận Đá Bạc là đơn vị tiêu thụ than chính khu vực miền Tây của TKV. Sau khi bão số 3 đổ bộ, Công ty Kho vận Đá Bạc là một trong những đơn vị của TKV chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều hệ thống điện, mái tôn, công trình, kiến trúc, cây xanh tại các khu vực hiện trường, nhà xưởng, kho, bến bãi sản xuất bị hư hỏng nặng.
Một số tuyến băng tải, trạm điện, cột bơm, cấp phát nhiên liệu bị mưa gió làm hư hỏng gây gián đoạn sản xuất. Đáng chú ý, tuyến đường sắt vận chuyển than từ Vàng Danh ra cảng Điền Công có 3 vị trí bị sạt lở đất đá gây ách tắc, gián đoạn khâu vận chuyển than từ mỏ Vàng Danh, Nam Mẫu ra cảng tiêu thụ.
Ngay khi bão số 3 đi qua, ngày 8/9, Công ty đã huy động tối đa nhân lực, máy móc tập trung khắc phục hậu quả. Với phương châm chủ động ứng cứu tại chỗ, đơn vị đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả sau bão.
Trước tình hình thông tin liên lạc bị gián đoạn, Công ty đã cắt cử người đến từng ngõ, gõ từng nhà thông báo trực tiếp vận động công nhân đi làm trở lại, đảm bảo nhân lực tham gia khắc phục hậu quả. Đơn vị tập trung sửa chữa hệ thống điện nội bộ sẵn sàng đấu nối điện lưới phục vụ sản xuất. Đồng thời, huy động nhiều nhân công tham gia xử lý sạt lở đất, khơi thông tuyến đường sắt huyết mạch vận chuyển, tiêu thụ than của đơn vị từ Vàng Danh ra Điền Công. Công ty tiếp tục củng cố, che chắn an toàn các kho chứa than đảm bảo chất lượng cho khách hàng.
Ông Tạ Văn Long – Trưởng Phòng Điều hành sản xuất (Công ty Kho vận Đá Bạc) cho biết: Nhờ dồn nhân lực khắc phục hậu quả bão số 3, đơn vị đã dần vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất. Hiện, đơn vị vừa tập trung khắc phục thiệt hại của bão vừa bố trí nhân lực tái sản xuất trở lại tại một số dây chuyền đảm bảo. Ngày 11/9, tại Cảng Điền Công, đơn vị đã rót hơn 5.000 tấn than tiêu thụ. Ngày 13/9, khu vực Cảng Bến Cân hoạt động sản xuất trở lại.
Ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình cung cấp điện cho hoạt động sản xuất than tại Công ty Than Hòn Gai – TKV (Ảnh Báo Quảng Ninh)
Cùng với Công ty Kho vận Đá Bạc, đến nay, gần 90% đơn vị sản xuất than của TKV đã được cấp điện trở lại. Theo dự kiến ngày 12/9, các mỏ sẽ có điện trở lại nhưng do nhiều nguyên nhân nên Tập đoàn đang nỗ lực đạt dự kiến đến ngày 13/9, 100% mỏ than của TKV sẽ được ưu tiên cấp điện phục vụ sản xuất.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Để động viên ngành Than khôi phục hoạt động sản xuất, ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình cung cấp điện cho hoạt động sản xuất than tại Công ty Than Hòn Gai – TKV.
Tại buổi kiểm tra ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh đang rất nỗ lực khắc phục sau bão. Bên cạnh ưu tiên đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, việc sớm khởi động lại các hoạt động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng để góp phần ổn định cho các hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Huy yêu cầu TKV chỉ đạo các đơn vị thành viên nhanh chóng đưa sản xuất trở lại; quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn khi tái khởi động sản xuất; thực hiện nghiêm các quy trình kiểm tra an toàn, nhất là các khu vực khai thác hầm lò sau nhiều ngày dừng hoạt động.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn đồng hành cùng ngành Than, đồng thời mong muốn ngành Than sẽ chia sẻ khó khăn với tỉnh sau những thiệt hại từ cơn bão số 3; có những chính sách phù hợp để hỗ trợ nhân dân, trong đó có nhân dân là người của ngành Than. Ông Huy nói!
Ông Nguyễn Huy Nam – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, chia sẻ: Để chung tay cùng với tỉnh Quảng Ninh vượt qua khó khăn, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung phương án khắc phục sự cố sau bão. Trước mắt, TKV sẵn sàng phối hợp với Điện lực Quảng Ninh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành lập các tổ công tác và điều động nhân lực, vật lực, thiết bị trong quá trình xử lý sự cố về điện.
Công nhân Công ty Kho vận Đá Bạc khắc phục sạt lở đất đá tuyến đường sắt vận chuyển than từ Vàng Danh ra cảng Điền Công (Ảnh Báo Quảng Ninh)
Ngay sau khi được cấp điện lưới trở lại, các mỏ sẽ nhanh chóng ổn định sản xuất; quan tâm đến đời sống thu nhập cho người lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời công nhân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống; tiếp tục gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho đơn vị, doanh nghiệp.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-nganh-than-quang-ninh-on-dinh-san-xuat-sau-bao-so-3-10141903.html
Kiểm soát chặt chẽ khâu mua bán, lưu hành hóa chất
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành luật nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội…
Bên cạnh đó, hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa chất thiết yếu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Dự thảo Luật gồm 89 Điều, 10 Chương; quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.
Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Thời gian gửi hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh (Điều 1), áp dụng pháp luật (Điều 3), giải thích từ ngữ (Điều 4), Thường trực Ủy ban thống nhất với tên gọi là Luật Hóa chất (sửa đổi) bảo đảm tính kế thừa, phát triển Luật Hóa chất hiện hành. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát phạm vi điều chỉnh để tránh trường hợp quy định quá rộng hoặc liệt kê không đầy đủ, bảo đảm không phát sinh chồng chéo, xung đột với một số luật khác.
Đối với phát triển công nghiệp hóa chất (Chương II), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có 6 Điều quy định về phát triển công nghiệp hóa chất là chưa đầy đủ, đề nghị nghiên cứu, bổ sung phù hợp một số nội dung quy định như đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thị trường, nguyên liệu, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ… trong công nghiệp hóa chất.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật cũng như Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm là phải tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước đã nêu tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị; Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường. Đây là kết luận quan trọng, đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Đối chiếu với các chương, điều, khoản của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, chưa thể hiện rõ những chủ trương này, do đó, đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng thể cụ thể hóa trong luật.
Đối với vấn đề quản lý, sử dụng hóa chất cần khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình, công nghệ, chuyển đổi sang các hóa chất ít nguy hại hơn hoặc giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại; tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu; nâng cao nhận thức về giáo dục, tăng cường truyền thông về tác hại, an toàn hóa chất đối với cộng đồng.
Ngoài ra, tăng cường chế tài xử phạt đối với các quy định về hóa chất; áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường.
Từ thực tế các vụ án nghiêm trọng xảy ra thời gian qua liên quan đến việc sử dụng tràn lan các hóa chất độc hại, nhiều ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải có quy định, chế tài để kiểm soát đặc biệt, chặt chẽ ở các khâu mua bán, lưu hành.
Cho rằng hiện nay còn tình trạng mua bán hóa chất dễ dàng, quản lý chưa chặt chẽ bởi việc mua bán được đặt hàng qua mạng xã hội, như vậy dễ lọt trong khâu quản lý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu thêm quy định về quản lý hóa chất đặc biệt nguy hiểm, điển hình như chất xyanua.